Hỏi đáp luật tố tụng hành chính và văn bản hướng dẫn

0
5601

1. Xin hỏi hai anh em ruột cùng làm việc tại Tòa án nhân cấp tỉnh, trong đó một người là Thư ký Tòa án, một người là Thẩm phán. Vậy hai người có được tham gia xét xử cùng một vụ án hay không và trường hợp nào thì phải thay đổi Thư ký Tòa án?
Trả lời:
Điều 44 Luật Tố tụng hành chính quy định Thư ký Tòa án phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
1. Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 41 của Luật này, bao gồm các trường hợp sau:
– Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;
– Đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó;
– Đã tham gia vào việc ra quyết định hành chính hoặc có liên quan đến hành vi hành chính bị khởi kiện;
– Đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện;
– Đã tham gia vào việc ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức hoặc đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức bị khởi kiện;
– Đã tham gia vào việc ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khởi kiện;
– Đã tham gia vào việc lập danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân bị khởi kiện;
– Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
2. Đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án;
3. Là người thân thích với một trong những người tiến hành tố tụng khác trong vụ án đó.
Như vậy, hai anh em ruột cùng làm việc tại tòa án, trong đó một người là Thư ký Tòa án và một người là Thẩm phán thì sẽ không được tham gia xét xử cùng một vụ án. Trường hợp này, một trong hai người phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi.

2. Tôi là tổ trưởng tổ dân phố và được mời làm Hội thẩm nhân dân trong một số vụ án hành chính của Tòa án nhân dân huyện. Xin hỏi tôi có được nghiên cứu hồ sơ vụ án hay không? Luật Tố tụng hành chính quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm nhân dân như thế nao?
Trả lời:
Theo điều 37 Luật Tố tụng hành chính, Hội thẩm nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án.
2. Đề nghị Chánh án Toà án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính ra các quyết định cần thiết thuộc thẩm quyền.
3. Tham gia xét xử vụ án hành chính.
4. Tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.
Như vậy, bác được phép nghiên cứu hồ sơ vụ án vì đây là một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm nhân dân.

3. Tôi là đương sự trong một vụ án hành chính và được Tòa án gửi giấy triệu tập ra Tòa qua bưu điện để giải quyết vụ việc. Tòa án làm như vậy có sai quy định hay không?
Trả lời:
Điều 95 Luật Tố tụng hành chính quy định: Việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các phương thức sau đây:
1. Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua bưu điện hoặc người thứ ba được ủy quyền;
2. Niêm yết công khai;
3. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Điều 96 Luật Tố tụng hành chính, tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng
1. Việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của Luật này thì được coi là hợp lệ.
2. Người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng phải thực hiện theo quy định của Luật này.
Do đó, việc Tòa án gửi giấy triệu tập bạn ra Tòa giải quyết vụ việc là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

4. Mới đây, khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thị xã khu vực nơi tôi sinh sống bác đơn khởi kiện của tôi về việc Ủy ban nhân dân thị xã thu hồi đất của nhà tôi để xây dựng chợ. Nay tôi muốn làm đơn kháng cáo lên Tòa án cấp cao hơn. Vậy trong đơn kháng cáo tôi cần ghi những nội dung gì cần gửi đơn này đến đâu?
Trả lời:
Theo điều 175 Luật Tố tụng hành chính thì đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
– Tên, địa chỉ của người kháng cáo;
– Kháng cáo phần nào của bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
– Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
– Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
Ông (bà) gửi đơn kháng cáo này cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo; kèm theo đơn kháng cáo là tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.

5. Gia đình tôi và hàng xóm có tranh chấp đối với mảnh đất giữa hai nhà và chúng tôi đã khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án. Sau đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận ra một quyết định xử phạt hành chính về quản lý đất đai đối với gia đình tôi và hàng xóm dù Tòa án đã thụ lý bằng hai vụ án khác nhau. Vậy Tòa án làm thế có đúng không?
Trả lời:
Luật Tố tụng hành chính và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính quy định: Tòa án có thể nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết.
Cụ thể, theo Điều 33 Luật Tố tụng hành chính về việc nhập vụ án hành chính quy định như sau:
– Toà án có thể nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Toà án đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết.
– Khi nhập vụ án, Toà án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Còn theo Điều 7 Nghị quyết số 02/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính, Toà án có thể nhập hai hay nhiều vụ án hành chính đã thụ lý riêng biệt để giải quyết bằng một vụ án hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Các vụ án thụ lý riêng biệt chỉ có một người khởi kiện đối với nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính đều do một cơ quan, tổ chức hoặc một người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành, thực hiện và có mối liên hệ mật thiết với nhau hoặc các vụ án thụ lý riêng biệt có nhiều người khởi kiện đối với cùng một quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính;
– Việc nhập hai hay nhiều vụ án hành chính thành một vụ án hành chính phải bảo đảm việc xét xử được nhanh chóng, hiệu quả, triệt để và không vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử.
Do đó, xét theo trường hợp của bạn thì Tòa án làm như vậy là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

6. Tôi muốn biết trong trường hợp nào người làm chứng được phép từ chối khai báo tại phiên tòa?
Trả lời:
Theo Mục e Khoản 2 Đều 56 Luật Tố tụng hành chính và mục 3 Điều 11 Nghị quyết số 02/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính, người làm chứng được từ chối khai báo khi làm chứng trước Tòa nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình. Trong trường hợp này, Thẩm phán phải giải thích cho họ biết nếu việc từ chối khai báo không có căn cứ thì họ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
– Liên quan đến bí mật nhà nước là liên quan đến những vấn đề (thông tin, tin tức, nội dung…) trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được pháp luật quy định là có các mức độ: “Tuyệt mật”, “Tối mật” hoặc “Mật”;

– Liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân là liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân được pháp luật bảo vệ của chính người làm chứng;
– Có ảnh hưởng xấu cho đương sự trong vụ án là người có quan hệ thân thích với mình là trường hợp nếu người làm chứng khai ra những điều mình biết thì ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc ảnh hưởng xấu khác trong cuộc sống, công tác, sản xuất, kinh doanh của đương sự là người có quan hệ thân thích với người làm chứng.
Việc xác định người thân thích của người làm chứng được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết này.

Tư vấn bởi văn phòng luật sư Apec Việt Nam