Tư vấn hình sự của Văn phòng luật sư

0
3978
Tư vấn hình sự của Văn phòng luật sư APEC Việt Nam. Tình tiết giảm nhẹ TNHS tại khoản 2 Điều 46 BL TTHS. Trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 (BLHS năm 1985), Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS) tiếp tục quy định tình tiết giảm nhẹ (TTGN) trách nhiệm hình sự tại Điều 46 nhưng có sự bổ sung những quy định mới. Trong thực tế, việc áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 46 BLHS còn chưa thống nhất. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung của hình phạt được tuyên. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trình bày một số ý kiến đối với quy định của pháp luật hình sự về TTGN trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 46 BLHS, thực trạng áp dụng quy định này trong thực tiễn, nguyên nhân của việc vận dụng khác nhau và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

1. Quy định của pháp luật hình sự về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự
Bên cạnh các TTGN trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 46, BLHS còn quy định TTGN tại khoản 2 Điều 46 với nội dung, “Khi quyết định hình phạt, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.”

Quy định tại khoản 2 Điều 46 trước đây đã được quy định tại khoản 2 Điều 38 BLHS năm 1985. Trong đó, thay cụm từ “nhưng phải ghi trong bản án” thành “nhưng phải ghi  trong bản án”. Quy định này nhằm nhấn mạnh sự phân tích, dẫn giải của Tòa án khi muốn xem xét một tình tiết là TTGN trách nhiệm hình sự, ngoài các tình tiết đã liệt kê tại khoản 1 Điều 46 BLHS phải có sự giải thích rõ trong bản án.

Để áp dụng thống nhất TTGN trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS, tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS năm 1999 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01/2000), Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn các tình tiết sau đây được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác:

“- Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:
– Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;
– Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
– Người bị hại cũng có lỗi;
– Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
– Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
– Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
– Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có  thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.”

Từ hướng dẫn tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000, chúng ta thấy rằng TTGN trách nhiệm hình sự rất đa dạng, chúng ta không thể dự trù hết được nên việc quy định mở tại BLHS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán là cần thiết. Đây là điểm tiến bộ trong việc quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Nghị quyết số 01/2000 so với Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 hướng dẫn về các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 38 BLHS năm 1985 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy có những cách hiểu và vận dụng khác nhau đối với quy định: “Khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là TTGN, nhưng phải ghi rõ trong bản án”, cụ thể như sau:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc áp dụng tình tiết khác phải là những tình tiết mở rộng các tình tiết đã được liệt kê tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000, tức là phải kết hợp giữa tình tiết được liệt kê tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 với nội dung “tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội” để xác định một tiết có phải là TTGN tại khoản 2 Điều 46 hay không.
– Quan điểm thứ hai cho rằng, khi xét xử, Tòa án chỉ dựa vào “từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội” để xác định một tình tiết có phải là TTGN tại khoản 2 Điều 46 BLHS hay không mà không phụ thuộc tình tiết đó phải là tình tiết mở rộng của các TTGN được liệt kê tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000.
Thực tế, TTGN trách nhiệm hình sự rất đa dạng nên các tình tiết được nêu tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 chưa bao hàm hết tất cả các TTGN. Mặt khác, quy định tại khoản 2 Điều 46 là quy định mở nên hướng dẫn tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 hướng dẫn Điều luật nêu trên cũng phải là quy định mở. Do đó, chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai.

2. Thực trạng áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự:
Trên thực tế, có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau đối với quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000 của Hội đồng Thẩm phán, cụ thể như sau:

2.1. Xác định TTGN qua việc mở rộng các yếu tố về chủ thể, phạm vi, điều kiện áp dụng của các TTGN được liệt kê tại điểm c Mục 5 kết hợp với nội dung mở ở cuối điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000.

– Đối với tình tiết thứ nhất quy định tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 có nội dung: Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặccác danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước.

Khi xét xử, có Hội đồng xét xử đã mở rộng “chủ thể” được tặng danh hiệu cao quý có quan hệ với người phạm tội ngoài “vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột” với người phạm tội là “ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ruột kêu người phạm tội là ông, bà nội, ngoại” vì cho rằng, tình tiết thứ nhất tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 quy định chủ thể được tặng danh hiệu cao quý là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai của người phạm tội cho nên việc mở rộng phạm vi chủ thể như thế này vẫn thuộc hàng thừa kế thứ hai [1] của người phạm tội. Thực tế, đã có trường hợp, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không áp dụng tình tiết ông nội bị cáo được thưởng huân chương, bố mẹ chồng bị cáo là gia đình liệt sĩ nên đã bị Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy án.

Ví dụ: vụ án Quàng Thị Uân bị kết án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” ở Lào Cai. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm TANDTC đã quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm và bản án sơ thẩm xét xử Quàng Thị Uân để xét xử sơ thẩm lại với nhận định như sau:“Mặt khác, khi xét xử Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm còn có một số sai lầm, thiếu sót như sau: Tại phiên toà phúc thẩm, Quàng Thị Uân khai “có ông nội được thưởng Huân chương, bố mẹ chồng là gia đình liệt sỹ”. Trong hồ sơ vụ án có bản sao (có công chứng) Huân chương kháng chiến hạng ba của ông Quàng Văn Lẻ, Huân chương chiến công hạng ba của liệt sỹ Lò Văn Phương và bằng Tổ quốc ghi công mang tên liệt sỹ Lò Văn Phương, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét, kiểm tra các tài liệu này để làm rõ mối quan hệ giữa những người nêu trên với bị cáo, làm cơ sở cho việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt đối với bị cáo”.2

Sau khi liệt kê các danh hiệu cao quý được Nhà nước phong tặng, tiết 1 điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 còn quy định mở “…hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước”. Có Hội đồng xét xử đã chấp nhận các hình thức khen thưởng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước như: Dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt Ngụy, dũng sĩ diệt xe tăng, dũng sĩ diệt máy bay, dũng sĩ phá bom… là TTGN trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS với lý do chủ trương phong tặng các danh hiệu này được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mặt trận giải phóng dân tộc Miền Nam Việt Nam và để được tặng danh hiệu này cá nhân đó phải có thành tích lớn.

Cho nên, việc áp dụng xem các danh hiệu này là “danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước” để áp dụng TTGN tại khoản 2 Điều 46 cho bị cáo là phù hợp với đạo lý, chính sách nhân đạo của Nhà nước ta3.
– Đối với tình tiết thứ sáu quy định tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 có nội dung: “Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo”. Thực tế, có Hội đồng xét xử đã mở rộng phạm vi chủ thể sửa chữa, bồi thường thay cho bị cáo vì cho rằng: bản chất của tình tiết này nhằm khắc phục, hạn chế thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, do đó, dù gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, cấp trên của bị cáo bồi thường thay cho bị cáo thì bản chất sự việc như nhau; việc mở rộng chủ thể bồi thường trong trường hợp này không nên giới hạn để nhanh chóng khắc phục, hạn chế hậu quả mà hành vi phạm tội do bị cáo gây ra.

– Đối với tình tiết thứ ba quy định tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 có nội  “Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên.” Nhiều Hội đồng xét xử đã xem xét áp dụng TTGN tại khoản 2 Điều 46 BLHS nếu khi thực hiện hành vi phạm tội họ là người tàn tật mà không cần xác định nguyên nhân của việc bị tai nạn với lập luận: quy định này chỉ giới hạn bị cáo bị tàn tật do tai nạn lao động, trong công tác mà không quy định thêm các trường hợp tàn tật do nguyên nhân khác (như: tại nạn giao thông, do tai bão lụt, hỏa hoạn …) là chưa phù hợp, tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người bị tàn tật với nhau, nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo bị tàn tật không phải là dấu hiệu để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo mà mấu chốt vấn đề là khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo là người tàn tật.

2.2. Xác định TTGN dựa vào những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS
Thực tiễn xét xử, có nơi Hội đồng xét xử đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ ở khoản 2 Điều 46 BLHS khi người phạm tội chỉ đáp ứng 01 nội dung đối với những tình tiết giảm nhẹ được liệt kê tại khoản 1 Điều 46 BLHS có 02 nội dung. Chẳng hạn, đối với TTGN “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS, thực tiễn có nơi, khi người phạm tội chỉ có tình tiết “phạm tội lần đầu” hoặc tình tiết “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” thì có Tòa án đã mặc nhiên áp dụng TTGN tại khoản 2 Điều 46 BLHS cho người phạm tội; đối với tình tiết, “người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS nhưng người phạm tội không có trách nhiệm bồi thường nhưng đã tự nguyện bồi thường thì có nơi Tòa án áp dụng TTGN tại khoản 2 Điều 46 BLHS cho người phạm tội.

2.3. Một số tình tiết được áp dụng là TTGN thuộc khoản 2 Điều 46 BLHS nhưng phải có điều kiện kèm theo khi áp dụng đối với từng vụ án cụ thể.

Trong thực tế, có Hội đồng xét xử cho rằng một số tình tiết được xác định là TTGN thuộc khoản 2 Điều 46 BLHS khi chúng kèm theo “điều kiện” cụ thể, điều kiện đó phải gắn với từng vụ án, người phạm tội cụ thể. Tức là, chúng có ý nghĩa giảm nhẹ đối với trường hợp này nhưng lại không có giá trị giảm nhẹ trong trường hợp khác, đó là các tình tiết: sự việc phạm tội xảy ra đã lâu; người phạm tội và người bị hại có quan hệ gia đình4. Đối với tình tiết “sự việc phạm tội xảy ra đã lâu” chỉ được áp dụng là TTGN thuộc khoản 2 Điều 46 BLHS khi trong khoảng thời gian từ khi tội phạm được thực hiện đến khi xét xử, người phạm tội luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật ở địa phương, thời gian kéo dài là do lỗi của cơ quan, người tiến hành tố tụng hay do nguyên nhân khách quan, không phải xuất phát từ người phạm tội. Đối với tình tiết “người phạm tội và người bị hại có quan hệ gia đình”, chỉ được áp dụng là TTGN tại khoản 2 Điều 46 BLHS khi người phạm tội với lỗi vô ý, phạm tội nhất thời do tác động bên ngoài.

2.4. Xác định các tình tiết khác là TTGN dựa vào hướng dẫn ở cuối điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 mà không có sự đánh giá cụ thể.

Đó là các tình tiết: đã thu hồi được tài sản do phạm tội mà có; người phạm tội có công việc ổn định và được bảo lãnh; phạm tội vì phụ thuộc vào người khác, nể nang không có tính chất vụ lợi; người phạm tội có tuổi đời còn trẻ; phạm tội do bị lôi kéo, rủ rê; phạm tội do quá tự tin vào người khác; bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; bị cáo có trình độ văn hóa thấp, am hiểu pháp luật còn hạn chế; phạm tội do bộc phát, nhất thời; người phạm tội vận động đồng bọn tự thú; bị cáo là người có nhiều năm tham gia lực lượng vũ trang hoặc chiến đấu ở các chiến trường B, C, K, hoặc công tác ở vùng khí hậu độc hại hoặc hành nghề độc hại làm giảm tuổi thọ; bị cáo đang mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư, HIV); bị cáo bị mắc bệnh tâm thần trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, mới tạm điều trị ổn định; bị cáo đang ốm nặng, bệnh nặng hoặc sức khỏe quá yếu; bị cáo đang mắc bệnh nặng, nan y; bị cáo là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu bị phạt tù nhiều năm sẽ làm cho gia đình đặc biệt khó khăn…

Ngoài ra, trong một số vụ án, Tòa án còn xác định một số tình tiết sau là TTGN trách nhiệm hình sự thuộc khoản 2 Điều 46 BLHS: bị cáo bị tạm giam khá lâu; phạm tội do dùng chất kích thích dẫn đến không làm chủ được bản thân;[2] hay bị cáo đã tự nguyện giao nộp số tiền thu lợi bất chính; bị cáo tự nguyện giao nộp tiền phạt trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra; …

Việc áp dụng như 03 trường hợp đầu, trong thực tiễn còn có quan điểm chưa thống nhất nhưng theo chúng tôi là chấp nhận được. Đối với trường hợp thứ tư thì theo chúng tôi là áp dụng không có căn cứ.

3. Một số kiến nghị
– Để khắc phục việc áp dụng tùy tiện, thiếu thống nhất quy định TTGN trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 46 thì cần có quy định hướng dẫn một cách chi tiết hơn về việc áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự ở khoản 2 Điều 46 BLHS. Cụ thể, cần bổ sung vào Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 căn cứ để xác định một tình tiết là TTGN trách nhiệm hình sự bên cạnh căn cứ dựa vào “trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội”. Cụ thể như sau:

Đối với những TTGN đã được liệt kê tại tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000, khi mở rộng chủ thể áp dụng, phạm vi áp dụng hay điều kiện áp dụng phải không vượt quá nội dung đã được quy định và phải đảm bảo giá trị giảm nhẹ của tình tiết được áp dụng. Cần áp dụng tương tự như kết luận của Tòa án nhân dân tối cao tại Mục 2 Công văn số 148/2002/KHXX ngày 30/9/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 46, Điều 47 BLHS. Theo đó, dựa trên hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại tiết thứ nhất điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 và quy định mở ở cuối điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 để quy định:“Bị cáo là người cháu được bà ngoại là mẹ Việt Nam anh hùng nuôi dưỡng từ nhỏ, là người thân duy nhất còn lại hoặc trường hợp bị cáo có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác… thì khi xét xử Toà án có thể coi đó là những TTGN trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

+ Đối với những tình tiết được áp dụng là TTGN tại khoản 2 Điều 46 BLHS mà chưa được liệt kê tại 8 tiết của điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 thì khi áp dụng phần cuối của điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 để xem chúng là TTGN phải đảm bảo đặc trưng của TTGN là chúng phải có giá trị giảm nhẹ và thuộc 01 trong 03 trường hợp sau: (1) có giá trị giảm nhẹ tính chất, mức độ của tội phạm; (2) thể hiện nhân thân đặc biệt của người phạm tội và (3) thể tiện khả năng cải tạo, giáo dục tốt của người phạm tội. Nếu không có 01 trong 3 trường hợp này thì không được xem tình tiết đó là TTGN tại khoản 2 Điều 46 BLHS.

– Vì quy định về TTGN trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 46 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là quy định mở nên cần đưa vào các chuyên đề để tập huấn để áp dụng đúng và thống nhất quy định này.

– Kiểm tra việc áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 46 BLHS trong kết quả xét xử các vụ án hình sự để có sự đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời những sai sót, vi phạm trong việc áp dụng. Cần có sự tổng hợp, đánh giá và kết luận những tình tiết nào áp dụng đúng để áp dụng thống nhất trong toàn ngành.

1.Xem: Điểm c khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự.
2.Xem: Quyết định giám đốc thẩm số 04/2009/HS-GĐT ngày 07/4/2009 về vụ án Quàng Thị Uân bị kết án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quyển III về Hình sự năm 2007-2009.tr.242-245.
3.Xem: Lê Văn Sua, Áp dụng TTGN tại khoản 2 Điều 46 BLHS, Tạp chí Tòa án nhân dân số 14/2004, tr 25-26.
4.Xem: Trần Thị Quang Vinh, 2005, Các TTGN trách nhiệm hình sự trong Luật HÌnh sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr146-147.
5. Xem: Hồ Sỹ Sơn, Những hạn chế trong các quy định của BLHS năm 1999 về các TTGN, tăng nặng trách nhiệm hình sự và hướng khắc phục, Tạp chí Tòa án nhân dân số 16/2008, tr.2-4 và 9; Trần Thị Quang Vinh, 2005, Các TTGN trách nhiệm hình sự trong Luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.145.

Để được rõ hơn các vấn đề trên liên quan đến Tư vấn hình sự về các tình tiết giảm nhẹ tại k2, Điều 46 BLHS. Liên hệ Luật sư Trần Khắc Thanh, ĐT 091 345 1699