Tư vấn pháp luật về sở hữu trí tuệ

0
4190

Vấn đề sở hữu trí tuệ không chỉ là chất xám mà còn là quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tổ chức. Do đó, bạn cần hiểu rõ và nắm vững những quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình và đảm bảo thực hiện đúng pháp luật.

Câu 1: Tôi được một công ty thuê thiết kế logo nhưng sau đó công ty thông báo rằng logo đó không sử dụng được vì không đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, vài tháng sau, tôi phát hiện công ty sử dụng logo do tôi thiết kế cho tất cả các sản phẩm. Trong trường hợp này, tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?
Trả lời:
Nghị định 100/2006/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan quy định những tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả dưới hình thức tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng gồm:
1. Tác phẩm tạo hình quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ hoạ, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.
2. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: biểu trưng; hàng thủ công mỹ nghệ; hình thức thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm.”
Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ như sau:
1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký…
Do đó, theo quy định trên thì logo do bạn thiết kế sẽ được bảo hộ quyền tác giả dưới hình thức tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng. Tác phẩm của bạn được bảo hộ ngay từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Nếu bạn có căn cứ chứng minh được logo đó là do bạn thiết kế và công ty sử dụng tác phẩm của bạn mà không xin phép thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết để bảo vệ quyền tác giả.

Câu 2: Công ty chúng tôi và một công ty khác đang có tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp. Vậy tôi muốn biết thời hiệu khiếu nại về quyền sở hữu công nghiệp thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 14 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp qui định:
Quyền khiếu nại chỉ được thực hiện trong thời hiệu sau đây, không kể thời gian có trở ngại khách quan khiến người khiếu nại không thể thực hiện được quyền khiếu nại:
– Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 90 ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;
– Thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại khoản 5 Điều này mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đơn khiếu nại liên quan đến việc cấp, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ, gia hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra thông báo thụ lý hoặc từ chối thụ lý đơn khiếu nại, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Câu 3: Xin luật sư cho biết những hàng hóa nào bị coi là hàng giả? Kinh doanh hàng giả giá trị bao nhiêu tiền thì bị truy tố?
Trả lời:
Những hàng hóa bị coi là hàng giả
Điều 3, Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại quy định hàng giả bao gồm những hàng hóa sau:
– Giả chất lượng và công dụng: hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hoá;
– Giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá: Hàng hoá giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hoá; hàng hoá giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá;

– Giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hoá là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan;
– Các loại đề can, nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hoá có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá (sau đây gọi tắt là tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả);
– Đối với hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nếu pháp luật có quy định riêng thì áp dụng các quy định đó để xác định hàng giả.
Về quy định truy tố hành vi kinh doanh hàng giả
Điều 156 Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả như sau:
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
g) Thu lợi bất chính lớn;
h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.