Tư vấn pháp luật về nghị định hướng dẫn luật sở hữu trí tuệ

0
5205

1. Công ty tôi và một công ty khác xảy ra việc tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp. Vậy tôi muốn biết quy định của pháp luật về khoảng thời gian được quyền khiếu nại thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ: Về việc khiếu nại liên quan đến việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, quyền khiếu nại chỉ được thực hiện trong thời gian sau đây, không kể thời gian có trở ngại khách quan khiến người khiếu nại không thể thực hiện được quyền khiếu nại:
– Thời hiệu khiếu nại lần đầu là chín mươi ngày (90 ngày), kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
– Thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là ba mươi ngày (30 ngày), kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại Khoản 5 Điều này (10 ngày) mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

2. Trong trường hợp nào thì cơ quan xử lý vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp có quyền từ chối yêu cầu xử lý vi phạm?
Trả lời:
Theo Điều 21 Nghị định 106/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ: Trong các trường hợp sau đây cơ quan xử lý vi phạm có quyền ra Thông báo từ chối yêu cầu xử lý vi phạm:
1. Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định này mà người yêu cầu xử lý vi phạm không đáp ứng yêu cầu của cơ quan xử lý vi phạm về bổ sung, giải trình chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền và chứng minh vi phạm (tối đa là ba mươi ngày kể từ ngày cơ quan xử lý vi phạm ra Thông báo yêu cầu người nộp đơn bổ sung các tài liệu, chứng cứ, văn bản kết luận giám định hoặc giải trình về hành vi vi vi phạm).
2. Hết thời hiệu xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ được thực hiện.
3. Kết quả xác minh của cơ quan xử lý vi phạm hoặc cơ quan công an cho thấy không có vi phạm như mô tả trong đơn yêu cầu xử lý vi phạm.
4. Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ xử lý vi phạm.
5. Người nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm có văn bản thông báo rút yêu cầu xử lý vi phạm hoặc có văn bản thông báo các bên đã đạt được thỏa thuận giải quyết vụ việc bằng biện pháp khác.

3. Công ty chúng tôi muốn đăng ký bảo hộ một giống cây mới do các kỹ sư bên tôi tuyển chọn và lai tạo thành công. Tôi muốn biết công ty tôi cần phải nộp hồ sơ gì và quy trình giải quyết thế nào?
Trả lời:

  1. Hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới:

Khoản 1 Điều 174 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới được nộp tại Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), gồm các tài liệu sau đây:
– Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định.
– Ảnh chụp, tờ khai kỹ thuật theo mẫu quy định.
– Giấy uỷ quyền, nếu đơn được nộp thông qua đại diện.
– Tài liệu chứng minh quyền đăng k‎ý, nếu người đăng k‎ý là người được chuyển giao quyền đăng ký.
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng, hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng phải được lập thành 02 bộ, nộp tại cơ quan bảo hộ giống cây trồng.

  1. Quy trình giải quyết:

Căn cứ vào các quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 19, 20, 22 của Nghị định 88/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, quy trình giải quyết như sau:
– Cục Trồng trọt tiếp nhận Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới.
– Thẩm định hình thức đơn; thông báo từ chối hoặc chấp nhận đơn. Nếu đơn hợp lệ thì yêu cầu người đăng ký gửi mẫu đến cở sở khảo nghiệm.
– Công bố đơn hợp lệ trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng;
– Thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ (gồm thẩm định tính mới và tên gọi phù hợp của giống cây trồng; thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đối với giống cây trồng).
– Cấp bằng bảo hộ giống cây trồng và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ.

  1. Thời gian giải quyết:

– Thời gian thẩm định hình thức đơn: 15 ngày kể từ ngày nhận đơn.
– Công bố đơn hợp lệ trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng: 90 ngày kể từ ngày đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới được chấp nhận.
– Thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật: 90 ngày kể từ ngày nhận được kết quả khảo nghiệm kỹ thuật.

4. Tôi muốn biết quyền tác giả là gì, quyền tác giả bao gồm những quyền nào và thời hạn bảo hộ quyền tác giả là bao lâu?
Trả lời:

  1. Quyền tác giả:

Theo Khoản 2 Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Điều 19 quy định quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Điều 20 quy định quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
1. Làm tác phẩm phái sinh;
2. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
3. Sao chép tác phẩm;
4. Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
5. Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
6. Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

  1. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả:

Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.
2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:
a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Điều 26 Nghị định 10/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả như sau:
1. Thời hạn bảo hộ quyền tài sản và quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm di cảo là năm mươi năm, kể từ khi tác được công bố lần đầu tiên.
2. Thời hạn bảo hộ quyền tài sản và quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 của Luật Sở hữu trí tuệ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời  hạn năm mươi năm, nếu tác phẩm chưa công bố thì thời hạn bảo hộ là năm mươi năm kể từ khi tác phẩm được định hình.
3. Kể từ ngày Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được tính theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Tư vấn bởi văn phòng luật sư Apec Việt Nam