Văn phòng luật sư APEC tư vấn tài chính doanh nghiệp

0
4429

Hỏi: Doanh nghiệp tôi ở Nam Định sắp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tôi muốn biết lĩnh vực này có được ưu đãi đầu tư không?
Trả lời:
Theo Điều 27 Luật Đầu tư 2005, những lĩnh vực được ưu đãi đầu tư bao gồm:
– Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo.
– Nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; làm muối; sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi mới.
– Sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại; bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao.
– Sử dụng nhiều lao động.
– Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, các dự án quan trọng, có quy mô lớn.
– Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục, thể thao và văn hóa dân tộc.
– Phát triển ngành, nghề truyền thống.
– Những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác cần khuyến khích.
Do vậy, lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp bạn là nuôi trồng thủy sản nên doanh nghiệp bạn sẽ được ưu đãi đầu tư.

Hỏi: Khi đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư cần điều kiện gì và quy trình thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư thế nào?
Trả lời:
Về điều kiện đầu tư ra nước ngoài:
Điều 76 Luật Đầu tư 2005, để được đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư phải có các điều kiện sau đây:
– Có dự án đầu tư ra nước ngoài;
– Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam;
– Được cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
– Việc đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư gián tiếp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Về quy trình thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư:
1. Số lượng hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài: 8 bộ
2. Hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
– Văn bản đề nghị thẩm tra dự án đầu tư.
– Bản sao có công chứng: Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hoặc Giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương đối với nhà đầu tư là tổ chức; hoặc Giấy chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân Việt Nam; hoặc Giấy phép đầu tư đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 nhưng không đăng ký lại theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
– Văn bản giải trình về dự án đầu tư gồm các nội dung sau: Mục tiêu đầu tư; địa điểm đầu tư; quy mô vốn đầu tư; nguồn vốn đầu tư; việc sử dụng lao động Việt Nam (nếu có); việc sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam (nếu có); tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
– Hợp đồng hoặc bản thỏa thuận với đối tác về việc góp vốn hoặc mua cổ phần hoặc cùng hợp tác đầu tư đối với trường hợp có đối tác khác cùng tham gia đầu tư.
– Văn bản đồng ý của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng cổ đông hoặc đại hội xã viên về việc đầu tư ra nước ngoài đối với nhà đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty hợp danh hoặc Công ty cổ phần hoặc hợp tác xã trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã.

Quy trình thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư:
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản lấy ý kiến kèm theo hồ sơ dự án đầu tư gửi các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được hỏi ý kiến tiến hành thẩm tra hồ sơ dự án đầu tư và có ý kiến bằng văn bản về các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công; quá thời hạn trên mà cơ quan được hỏi không có ý kiến bằng văn bản thì được coi là đã chấp thuận hồ sơ dự án đầu tư đối với những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.
– Đối với các dự án đầu tư quy định tại Điều 9 Nghị định Nghị định 78 năm 2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ý kiến thẩm định bằng văn bản kèm theo hồ sơ dự án đầu tư và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của  Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
– Đối với các dự án đầu tư không quy định tại Điều 9 Nghị định 78 năm 2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
– Giấy chứng nhận đầu tư được sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.
– Trường hợp hồ sơ dự án đầu tư không được chấp thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

Hỏi: Doanh nghiệp tôi là doanh nghiệp mới thành lập, nay tôi muốn đăng ký mã số thuế thì thủ tục thủ tục thế nào?
Trả lời:
1. Hồ sơ
Với trường hợp thành lập doanh nghiệp thì hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký con dấu sẽ tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp quy định trong Điều 14, 15, 16, 17 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP và Bản kê khai thông tin đăng ký thuế theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Tiếp nhận hồ sơ
– Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Khi nhận hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra tên doanh nghiệp, các giấy tờ cần có trong hồ sơ và các đề mục cần kê khai. Đối với các hồ sơ đăng ký đáp ứng được yêu cầu kiểm tra ban đầu, cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ, ghi Giấy biên nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và trao cho doanh nghiệp.
– Trong quá trình thụ lý hồ sơ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, nếu người nộp hồ sơ là cá nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân đã phát sinh nghĩa vụ nộp thuế, có yêu cầu được cấp mã số thuế để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhưng hồ sơ chưa đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thì cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện chuyển bản sao Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, Bản kê khai thông tin đăng ký thuế sang cơ quan thuế ngay trong ngày để cơ quan thuế thực hiện cấp Thông báo mã số thuế tạm thời cho người nộp thuế. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế theo đúng quy định thì mã số thuế ghi trên Thông báo mã số thuế sẽ được sử dụng làm mã số doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân.
– Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đăng ký tới cơ quan đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử. Trong trường hợp này, sau khi xem xét hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo qua mạng điện tử cho người thành lập doanh nghiệp các nội dung cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có) hoặc thời điểm đến nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

3. Trả kết quả đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế
– Trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế chi nhánh, văn phòng đại diện.
– Đối với trường hợp hồ sơ đăng ký được tiếp nhận thông qua mạng điện tử, khi đến nhận kết quả, doanh nghiệp phải nộp một bộ hồ sơ đăng ký bằng giấy để cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu và lưu hồ sơ.

CHIA SẺ