Tư vấn về các dịch vụ tài chính ngân hàng

0
2827

1. Xin cho biết thủ tục hồ sơ vay vốn ngân hàng của công ty TNHH gồm những gì?
Thủ tục vay vốn sẽ do ngân hàng và công ty ký hợp đồng dựa trên mục đích vay vốn và tài sản thế chấp. Thông thường, thủ tục hồ sơ vay vốn ngân hàng cho công ty TNHH sẽ gồm những giấy tờ sau:
1. Giấy phép kinh doanh.
2. Biên bản họp Hội đồng thành viên, quyết định của Hội đồng thành viên về việc vay vốn (mục đích vay, số tiền vay, ngân hàng vay…)
3. Giấy ủy quyền của Hội đồng thành viên cho người thực hiện ký các giấy tờ vay vốn.
4. Giấy chứng nhận quyền tài sản đối với tài sản thế chấp (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nếu tài sản thế chấp là bất động sản, Giấy đăng ký ô tô  nếu tài sản thế chấp là ô tô).
5. Báo cáo tài chính.
6. Các chứng từ chứng minh mục đích vay vốn.
7. Các chứng từ chứng minh nguồn trả nợ.
2. Công ty của tôi và một công ty khác đều là công ty Việt Nam ký hợp đồng, trong đó có điều khoản ghi giá trị hợp đồng là ngoại tệ, phương thức thanh toán là VND theo tỷ giá của ngoại tệ tại thời điểm thanh toán. Cách làm này có vi phạm quy định của pháp luật không?
Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 quy định: Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Điều 29 Nghị định 160/2006 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối quy định: Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo  của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối trừ các trường hợp sau:
1. Các giao dịch với tổ chức tín dụng và tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối;
2. Người cư trú là tổ chức được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản (giữa đơn vị có tư cách pháp nhân với đơn vị hạch toán phụ thuộc và ngược lại);
3. Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
4. Người cư trú được nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản theo hợp đồng uỷ thác xuất, nhập khẩu;
5. Người cư trú là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài được nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài;
6. Người cư trú là tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm được nhận ngoại tệ chuyển khoản của người mua bảo hiểm đối với các loại hàng hoá và dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài;
7. Người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan được nhận thanh toán bằng ngoại tệ và đồng Việt Nam từ việc cung cấp hàng hoá và cung ứng dịch vụ;
8. Người cư trú là cơ quan hải quan, công an cửa khẩu tại các cửa khẩu quốc tế và kho ngoại quan được nhận ngoại tệ từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất nhập cảnh hoặc phí cung ứng dịch vụ;
9. Người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được thu phí thị thực xuất nhập cảnh và các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ;
10. Người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài được nhận lương, thưởng và phụ cấp bằng ngoại tệ từ người cư trú, người không cư trú là tổ chức;
11. Người không cư trú được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác hoặc thanh toán cho người cư trú tiền xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ;
12. Các trường hợp khác được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận.
Như vậy giao dịch của hai công ty không thuộc các trường hợp trên thì giao dịch đó vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối.

3. Công ty của tôi là công ty con có nhu cầu vay vốn, công ty mẹ có tài sản đảm bảo. Vậy công ty mẹ có thể phát hành thư bảo lãnh cho phía ngân hàng để bảo đảm cho khoản vay công ty tôi hay không? Thư bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh có giá trị ngang nhau không?
Trả lời:
Công ty mẹ có thể phát hành thư bảo lãnh (có tài sản đảm bảo) cho phía ngân hàng để đảm bảo khoản vay của công ty con. Về vấn đề thư bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh, Điều 3 Thông tư số 28/2012/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng quy định:
Cam kết bảo lãnh là văn bản bảo lãnh của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh theo một trong các hình thức sau:
a) Thư bảo lãnh là văn bản cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.
b) Hợp đồng bảo lãnh là văn bản thỏa thuận giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh hoặc giữa bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và các bên có liên quan (nếu có) về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.
Nhìn chung, thư bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh có giá trị ngang nhau. Tuy nhiên, chúng có điểm khác nhau đó là: Thư bảo lãnh là văn bản cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh còn Hợp đồng bảo lãnh là văn bản thỏa thuận giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh hoặc giữa bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và các bên có liên quan (nếu có).
4. Hiện nay, doanh nghiệp của tôi thiếu vốn để mở rộng sản xuất nên tôi muốn chọn giải pháp thuê tài chính. Tôi muốn biết những đối tượng nào được thuê tài chính và tài sản thuê gồm những loại nào?
1. Những đối tượng được thuê tài chính
Tất cả các tổ chức hoạt động, cá nhân sinh sống và làm việc tại Việt Nam, trực tiếp sử dụng tài sản thuê cho mục đích hoạt động của mình, gồm:
– Cá nhân, hộ gia đình
– Doanh nghiệp
– Các tổ chức khác thuộc đối tượng vay của các tổ chức tín dụng.
2. Tài sản thuê gồm những loại nào?
Là các tài sản được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu; còn mới hoặc đã qua sử dụng được phép giao dịch, được bên thuê sử dụng để phục vụ cho hoạt động của mình, gồm:
– Phương tiện vận chuyển
– Máy móc, thiết bị thi công
– Dây chuyền sản xuất
– Thiết bị gắn liền với bất động sản
– Các động sản khác không bị pháp luật cấm.
Các tài sản đó được công ty cho thuê tài chính mua theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với các tài sản này trong suốt thời hạn cho thuê.