Hiện nay, nợ xấu là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp và do trình độ quản lý nên nhiều doanh nghiệp không xử lý tốt các khoản nợ xấu của mình. Khoản nợ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực lực vốn, khả năng kinh doanh, năng lực cạnh tranh và làm lỡ nhiều cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Vậy có những cách nào thu hồi nợ xấu, thời hạn giải quyết thu hồi công nợ và nếu giải quyết bằng phương pháp pháp lý thì thủ tục hồ sơ gồm những gì?
1. Nợ xấu là gì?
Theo khái niệm của Ngân hàng Thế giới: Nợ xấu là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ, điều này thường xảy ra khi các con nợ đã tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản.
Tại Việt Nam, theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nợ xấu là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 quy định tại Điều 6 hoặc Điều 7 Quy định này. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là tỷ lệ để đánh giá chất lượng tín dụng của tổ chức tín dụng.
Theo đó, các khoản nợ thuộc nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn đã cơ cấu lại. Nhóm 4 (nợ nghi ngờ) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày theo thời hạn đã cơ cấu lại. Nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày; các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý; các khoản nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn trên 180 ngày theo thời hạn đã được cơ cấu lại.
2. Có mấy phương pháp thu hồi nợ xấu?
1. Phương pháp đàm phán, thương lượng
Là phương thức mà các chuyên viên pháp lý, luật sư trực tiếp đàm phán, thuyết phục khách nợ để họ đưa ra kế hoạch thanh toán khoản nợ xấu đó. Thu hồi nợ xấu bằng đàm phán, thương lượng có 3 phương pháp chủ yếu:
– Đàm phán, thương lượng bằng phương pháp tình cảm
– Đàm phán, thương lượng bằng phương pháp tác động bên thứ ba
– Đàm phán, thương lượng bằng phương pháp gây sức ép
2. Phương pháp pháp lý
Cách thu hồi nợ xấu bằng phương pháp pháp lý bao gồm khởi kiện và tố cáo thông qua thủ tục tố tụng tại tòa hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng. Đây là biện pháp sẽ được áp dụng khi nỗ lực đàm phán, thương lượng không thành, khách nợ cố tình lẩn tránh, thoái thác trách nhiệm hoặc có kế hoạch thanh toán nhưng thanh toán chậm và kéo dài.
3. Thời hạn giải quyết thu hồi công nợ
Thời hạn giải quyết, thu hồi công nợ do nhiều yếu tố quyết định, trong đó có 2 yếu tố quan trọng nhất đó là tính pháp lý của hồ sơ và khả năng thanh toán của khách nợ. Có khách nợ chỉ qua quá trình đàm phán, thương lượng đã lên kế hoạch thanh toán và thanh toán dứt điểm công nợ. Tuy vậy, có những khách nợ phải cần đến sự can thiệp của cơ quan chức năng thì mới chấp nhận thanh toán.
4. Hồ sơ đề nghị khởi kiện thu hồi nợ gồm những giấy tờ gì?
Khi phương pháp thu hồi nợ bằng thương lượng, đàm phán không phát huy hiệu quả thì doanh nghiệp cần phải áp dụng cách thu hồi nợ xấu bằng phương pháp pháp lý, tức là khởi kiện ra tòa án.
Hồ sơ khởi kiện gồm những giấy tờ sau:
– Đơn khởi kiện
– Bản sao CMND, hộ khẩu khách hàng
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có)
– Bản sao Hợp đồng
– Bản sao Giấy nhận nợ
– Bản sao biên bản chốt công nợ
– Bản sao các Biên bản đôn đốc nợ, Thông báo yêu cầu trả nợ, các giấy tờ cam kết trả nợ của khách hàng
– Bản tính gốc và lãi của khách hàng vào thời điểm khởi kiện (có xác nhận của kế toán theo dõi khoản nợ trên)