Tư vấn vay vốn ngân hàng không thế chấp

0
4643

1. Hiện nay nhiều ngân hàng có hình thức cho vay vốn không thế chấp nhưng tôi chưa hiểu hình thức cho vay này là thế nào. Xin văn phòng luật sư giải đáp cho tôi vay vốn ngân hàng không thế chấp là gì?
Trả lời:
Vay vốn ngân hàng không thế chấp hay còn gọi là vay tín chấp ngân hàng là hình thức vay vốn từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng mà người đi vay không phải thế chấp bất cứ tài sản gì hay chịu bất cứ điều kiện bảo lãnh nào khi vay tiền. Trong suốt quá trình vay tiền, người đi vay chỉ cần thanh toán một khoản tài chính cố định hàng tháng với mức lãi suất phụ thuộc vào từng ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Hình thức vay vốn ngân hàng không thế chấp dành cho khách hàng để giải quyết nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, cần vốn nhanh như mua xe, sửa nhà, cưới hỏi, đi du lịch… Vay tín chấp luôn tồn tại rủi ro cho ngân hàng nên lãi suất cao hơn so với vay có thế chấp tài sản, do đó khách hàng nên có kế hoạch sử dụng khoản vay một cách tốt nhất và có kế hoạch trả nợ cho ngân hàng khi sắp đến kỳ hạn.

2. Tôi muốn biết độ tuổi bao nhiêu được vay vốn ngân hàng không thế chấp?
Trả lời:
Khi vay vốn không thế chấp tại hầu hết các ngân hàng, tổ chức tín dụng, điều kiện tối thiểu là người đi vay phải từ 21 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, thu nhập còn tương đối chưa ổn định nên các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn xét duyệt hồ sơ nhưng yêu cầu thêm các điều kiện khác như: Thâm niên làm việc tại công ty hiện tại, thời gian tạm trú tại địa chỉ hiện tại, thu nhập hàng tháng…
Về độ tuổi giới hạn khoản vay tín chấp, các ngân hàng cũng giới hạn độ tuổi cho vay như 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam (ngân hàng ANZ, BIDV); HSBC, Standard C-hartered là 60 tuổi; Techcombank là 50 tuổi đối với nữ, 55 tuổi đối với nam…

3. Tôi mới ra trường và chưa đi làm có được vay vốn ngân hàng không thế chấp được không?
Trả lời:
Hình thức vay vốn ngân hàng không thế chấp (vay tín chấp) không cần tài sản đảm bảo vì thế điều kiện đầu tiên để ngân hàng có thể xét duyệt khoản cho vay đó là người đi vay cần có thu nhập ổn định. Do đó, để có thể vay vốn tín chấp ngân hàng, bạn phải có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng và tối thiếu là 6 tháng gần nhất. Với trường hợp của bạn chưa thể vay vốn ngân hàng tín chấp, khi bạn đã có công việc ổn định và thu nhập ổn định trên 6 tháng thì có thể vay vốn.

4. Sắp tới, tôi muốn vay vốn ngân hàng không thế chấp để sửa lại căn nhà mình đang ở, tôi muốn biết cách tính lãi và phương thức trả nợ là thế nào?
Trả lời:
Tùy vào ngân hàng bạn vay vốn tín chấp mà mức lãi suất sẽ khác nhau và mỗi ngân hàng, tổ  chức tín dụng có điều kiện khác nhau về thời hạn cho vay. Với hình thức cho vay này, lãi suất được tính trên dư nợ giảm dần tại ngân hàng, tức là tiền lãi được tính dựa trên số nợ gốc thực tế bạn còn nợ ngân hàng tại thời điểm tính lãi.
Hiện nay, khi cho vay vốn ngân hàng không thế chấp, hầu hết các ngân hàng, tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng phải trở nợ định kỳ hàng tháng (gồm gốc và lãi) hoặc theo quy định của từng ngân hàng hay thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Tổ chức cho vay sẽ tính tổng số tiền nợ của khách hàng (gồm cả gốc và lãi) sau đó chia đều cho số kỳ trả nợ để tính số tiền trả nợ hàng tháng, trong đó tiền lãi được tính theo dư nợ giảm dần, số nợ gốc trả trong kỳ bằng số tiền trả nợ hàng kỳ trừ đi số tiền lãi phải trả.

5. Tôi đang có một khoản nợ vay thế chấp tại ngân hàng thì có thể vay tín chấp nữa được không?
Trả lời:
Với trường hợp của bạn đã có một khoản nợ vay thế chấp thì rất khó có thể vay vốn ngân hàng không thế chấp được nữa. Trong trường hợp này, bạn có thể nhờ người thân hoặc bạn bè đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn đứng ra vay vốn giúp. Ngoài ra, hiện ngân hàng Techcombank hỗ trợ khách hàng đã có khoản nợ vay thế chấp vẫn có thể vay tín chấp nếu số tiền trả hàng tháng không quá 70% thu nhập thực tế của bạn.

6. Trước đây tôi có vay vốn ngân hàng không thế chấp tại ANZ nhưng trả nợ chậm dẫn tới có khoản nợ xấu. Hiện giờ tôi muốn vay vốn tín chấp thì ngân hàng có cho vay không?
Trả lời:
Khi khách hàng vay vốn tín chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều được quản lý trên “Hệ thống chấm điểm tín dụng” thông qua Trung tâm thông tin tín dụng gọi tắt là CIC (Credit Information Center), trực thuộc Ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ cung cấp cho CIC thông tin về các khoản vay, tên người vay, và quá trình thanh toán khoản vay đó; sau đó, CIC sẽ tổng hợp thành cơ sở dữ liệu phản ánh lịch sử tín dụng của từng khách hàng.
Trên hệ thống CIC, khách hàng sẽ được xếp vào 1 trong 5 nhóm:
– Nợ nhóm 1: Dư nợ đủ tiêu chuẩn (khoản nợ không quá hạn từ 1 – 10 ngày, nếu quá hạn từ 1 – 10 ngày, vẫn nằm trong nhóm đủ tiêu chuẩn nhưng sẽ bị phạt lãi quá hạn 150%). Lưu ý: Khách hàng nên thanh toán nợ từ 1 – 7 ngày vì chuyển khoản khác hệ thống ngân hàng, ngân hàng nghỉ lễ hoặc rơi vào ngày nghỉ thì tiền chuyển không đúng hạn sẽ dễ rơi vào nợ nhóm 2.
– Nợ nhóm 2: Dư nợ cần chú ý (khoản nợ quá hạn từ 10 đến dưới 90 ngày).
– Nợ nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn (khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày).
– Nợ nhóm 4: Dư nợ có nghi ngờ (khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày).
– Nợ nhóm 5: Dư nợ có khả năng mất vốn (khoản nợ quá hạn trên 360 ngày).
Với nợ nhóm 1 và nợ nhóm 2 thì nhiều ngân hàng vẫn xét duyệt cho vay, đối với nợ nhóm 3 đến nhóm 5 là những khoản nợ xấu thì rất khó được ngân hàng duyệt cho vay từ 3 – 5 năm. Tuy nhiên, ở một số ngân hàng có điều kiện cho vay khắt khe thì khi khách hàng có khoản nợ xấu trước đó thì sẽ không bao giờ cấp tín dụng cho khách hàng nữa.

Tư vấn luật miễn phí bởi văn phòng luật sư Apec Việt Nam