Tư vấn tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

0
2892

BÌNH LUẬN
Điều luật này quy định ba tội phạm gồm:
–          Tội mua bán trẻ em
–          Tội đánh tráo trẻ em
–          Tội chiếm đoạt trẻ em
1.      Khái niệm
a)      Mua bán trẻ em được hiểu là hành vi mua hoặc bán trẻ em để thu lợi bất chính.
b)      Đánh tráo trẻ em, được hiểu là hành vi tráo trẻ em này lấy trẻ em khác một cách lén lút.
c)      Chiếm đoạt trẻ em được hiểu là hành vi đưa trẻ em rời khỏi gia đình hoặc nơi ở, nơi quản lí (như nhà trường, bệnh viện…) mà không được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người có trách nhiệm trông nom, quản lí với mục đích tư lợi.
2.      Các yếu tố cấu thành tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em
2.1.Mặt khách quan
a)      Đối với tội mua bán trẻ em, được thể hiện qua hành vi sau:
–          Mua đứa trẻ của người khác nhằm để bán thu lợi.
–          Bán đứa trẻ sau khi mua hoặc sau khi bắt trộm để thu lợi.
b)      Đối với tội đánh tráo trẻ em: Được thể hiện qua hành vi lén lút tráo trẻ em này lấy trẻ em khác (như tráo con của mình lấy con của người khác hoặc tráo con của người này với con của người khác).
Trên thực tế thì hành vi đánh tráo trẻ em thường chỉ được thực hiện đối với trẻ sơ sinh, ở những nơi là nhà hộ sinh, bện viện. Thông thường là đổi bé trai lấy bé gái hay ngược lại, hoặc đổi trẻ dị tật lấy trẻ em lành lặn, khỏe mạnh.
c)      Đối với tội chiếm đoạt trẻ em: Được thể hiện qua việc dùng các thủ đoạn như lén lút, lừa gạt, dụ dỗ trẻ em đưa trẻ em thoát khỏi sự quản lí trông nom của cha mẹ hoặc người có trách nhiệm để đem bán, nuôi làm con nuôi hoặc để trả thù cha mẹ đứa trẻ.
Cần lưu ý:
Việc mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên dù dưới bất kì hình thức nào thì người có một trong các hành vi nêu trên vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thực hiện đó.
–          Trẻ em là người bị hại trong trường hợp này là người chưa đủ 16 tuổi.
–          Nếu hành vi chiếm đoạt trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
–          Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm vào việc mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Nếu hậu quả việc mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em chưa xảy ra thì được coi là phạm tội chưa đạt.
2.2.Khách thể
Các hành vi nêu trên (gồm ba tội) xâm phạm đến quan hệ về quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em.
2.3.Mặt chủ quan
Cả ba tội phạm nêu trên được thực hiện với lỗi cố ý.
Động cơ thực hiện hành vi mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt nêu trên không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản  mà chỉ có ý nghĩa trong việc định khung tăng nặng, lượng hình.
2.4.Chủ thể
Chủ thể của ba tội nêu trên là bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
3.      Về hình phạt
Mức hình phạt của các tội này được chia làm hai khung cụ thể như sau:
a)      Khung một (khoản 1)
Có mức phạt tù từ ba năm đến mười năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.
b)      Khung hai (khoản 2)
Có mức phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
–          Có tổ chức: Được hiểu là có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người (đồng phạm) cùng thục hiện tội này.
–          Có tính chất chuyên nghiệp: Được hiểu là người phạm tội sinh sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ việc mua, bán, bắt trộm trẻ em một cách thường xuyên.
–          Vì động cơ đê hèn (như để trả thù cha mẹ đứa trẻ).
–          Đối với nhiều trẻ em (từ hai trẻ em trở lên).
–          Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.
–          Để đưa ra nước ngoài;
–          Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo (như sử dụng để bóc lột sức lao động, cho đi ăn xin…)
–          Để sử dụng vào mục đích mại dâm.
–          Tái phạm nguy hiểm;
–          Gây hậu quả nghiêm trọng (như làm cho trẻ bị tàn tật suốt đời …)
4.      Hình phạt bổ sung (khoản 3)
Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị:
a)      Phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
b)      Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.