Tư vấn giải đáp pháp luật dân sự

0
3102

1. Em là con gái, em muốn đi nghĩa vụ quân sự có được không? Xin luật sư giải đáp giúp nguyện vọng của em.
Trả lời:
Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã cho phép công dân nữ được tự nguyện đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định sau:
“Điều 6. Nghĩa vụ phục vụ tại ngũ
1. Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân.
2. Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ”.
Như vậy, công dân nữ được tự nguyện đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng chỉ được nhập ngũ khi quân đội có yêu cầu.

Câu 2: Hiện em đang là sinh viên năm thứ 3 và là con trai duy nhất trong nhà. Xin hỏi em có được miễn hoặc tạm hoãn gọi nhập ngũ không?
Trả lời:
Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự
Điều 12 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:
– Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
– Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.
Độ tuổi gọi nhập ngũ
Các trường hợp tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ được quy định tại Điều 30 như sau: “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.
Tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ
Điều 41 quy định:
“1. Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
a) Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;
b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;
c) Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
d) Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;
đ) Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 3 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định;
e) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
2. Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
a) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;
b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;
c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
d) Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;
đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Điều 14 quy định: “Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật” thuộc đối tượng được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, nếu em đang là sinh viên đại học năm thứ 2 (hệ chính quy) thì thuộc đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Sau khi tốt nghiệp đại học, em có thể được gọi nhập ngũ tùy theo tình hình tại thời điểm đó.

Câu 3: Em là sinh viên ngoại tỉnh thì có được đăng ký biển số xe máy tại Hà Nội hay không? Học xong, em về quê làm việc, biển sổ đó giải quyết thế nào?
Trả lời:
Điều 9 Thông tư 15/2014 của Bộ Công an quy định về các giấy tờ cần xuất trình khi làm thủ tục đăng ký xe như sau:
1. Chủ xe là người Việt Nam, xuất trình một trong những giấy tờ sau:
a) Chứng minh nhân dân. Trường hợp chưa được cấp Chứng minh nhân dân hoặc nơi đăng ký thường trú ghi trong Chứng minh nhân dân không phù hợp với nơi đăng ký thường trú ghi trong giấy khai đăng ký xe thì xuất trình Sổ hộ khẩu.
b) Giấy giới thiệu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác, kèm theo Giấy chứng minh Công an nhân dân; Giấy chứng minh Quân đội nhân dân (theo quy định của Bộ Quốc phòng).
Trường hợp không có Giấy chứng minh Công an nhân dân, Giấy chứng minh Quân đội nhân dân thì phải có giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác.
c) Thẻ học viên, sinh viên học theo hệ tập trung từ 2 năm trở lên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện; giấy giới thiệu của nhà trường.”
Điều 7 Thông tư 15/2014 của Bộ Công an quy định hồ sơ đăng ký xe gồm:
1. Giấy khai đăng ký xe.
2. Giấy tờ của chủ xe.
3. Giấy tờ của xe.
Theo những quy định trên, bạn được cấp đăng ký biển số xe tại Hà Nội. Và giấy chứng nhận đăng ký xe có giá trị lâu dài, khi kết thúc khóa học bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng chứng nhận đăng ký xe, biển kiểm soát kể cả khi chuyển sang tỉnh thành khác sinh sống mà không cần thay đổi, điều chỉnh gì.
Khi làm giấy chứng nhận đăng ký xe, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
– Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu).
– Giấy tờ của chủ xe gồm: Chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên, giấy giới thiệu của nhà trường.
– Giấy tờ xe gồm: Hóa đơn mua xe theo quy định của Bộ Tài chính (hoặc hợp đồng mua xe có công chứng nếu mua xe cũ), Biên lai hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua kho bạc nhà nước (có xác nhận của kho bạc nhà nước đã nhận tiền) hoặc giấy ủy nhiệm chi qua ngân hàng nộp lệ phí trước bạ theo quy định của Bộ Tài chính.

Câu 4: Công ty em có thuê một ngôi nhà 5 tầng làm văn phòng. Vậy hợp đồng thuê nhà giữa công ty và chủ nhà có cần phải công chứng không?
Trả lời:
Điều 492 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Hình thức hợp đồng thuê nhà ở

Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
Như vậy, trong trường hợp của bạn là thuê nhà để làm văn phòng, hợp đồng thuê nhà của bạn phải được công chứng tại cơ quan, tổ chức công chứng nơi có nhà ở. Tuy nhiên, Điều 122 Luật nhà ở quy định: Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.”
Luật nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, do đó hiện nay, khi thực hiện hợp đồng cho thuê nhà bạn sẽ không phải đi công chứng trừ trường hợp các bên có yêu cầu.