Kiện chồng ngoại tình có được không?

0
2225

Hôn nhân gia đình luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất của mọi người nhưng không phải ai cũng nắm vững luật pháp về hôn nhân. Chồng ngoại tình có thể kiện ra tòa không? Thủ tục kết hôn với người nước ngoài như thế nào? Không đăng ký kết hôn có phải làm thủ tục ly hôn không? Tư vấn luật hôn nhân gia đình của Văn phòng Luật sư APEC sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về những vấn đề này.

Hỏi: Tôi yêu một người đàn ông Hàn Quốc và tháng 8 tới chúng tôi sẽ làm đám cưới. Tôi muốn biết khi kết hôn với người nước ngoài thì cần những thủ tục gì?
Trả lời:

  1. Hồ sơ: Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập thành 01 bộ gồm các giấy tờ sau:

1. Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định, có chữ ký và dán ảnh của hai bên nam, nữ.
2. Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.
Trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó.
3. Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
4. Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài).
5. Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).
6. Ngoài các giấy tờ quy định trên, đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.

  1. Nơi nộp hồ sơ:

– Hồ sơ đăng ký do một trong hai bên hoặc cả hai bên nam nữ cùng nộp, nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú.

  1. Thủ tục:

– Khi đến nộp hồ sơ kết hôn, hai bên nam nữ phải xuất trình Chứng minh thư nhân dân, Hộ chiếu, Visa, Sổ hộ khẩu. Trường hợp chỉ có một bên đến nộp hồ sơ thì bên vắng mặt phải có giấy ủy quyền được chứng thực hợp lệ. Giấy ủy quyền ghi rõ nội dung ủy quyền nộp hồ sơ kết hôn và lý do ủy quyền.
– Sau khi nộp hồ sơ, Sở Tư pháp sẽ hẹn ngày phỏng vấn; đến ngày phỏng vấn cả hai bên nam nữ phải có mặt để trả lời phỏng vấn.
– Khi nhận Giấy chứng nhận kết hôn phải có đầy đủ hai bên nam, nữ, xuất trình Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Visa để ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn.

Hỏi: Tôi kết hôn với một người đàn ông người Anh được 3 năm, hai vợ chồng không hợp nhau và nay tôi muốn ly hôn. Xin luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình giúp đỡ, tôi cần chuẩn bị hồ sơ thế nào và thủ tục ra sao?
Trả lời:
Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
4. Bản án, quyết định ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thủ tục, trình tự ly hôn có yếu tố nước ngoài:
1. Hồ sơ
– Đơn xin ly hôn cần trình bày những nội dung sau: Các mâu thuẫn trong thời gian sống chung và mâu thuẫn đó là không thể giải quyết được; tài sản chung yêu cầu toà giải quyết (nếu có); vấn đề nuôi dưỡng con chung sau ly hôn (nếu có); địa chỉ liên lạc chính xác của người ở nước ngoài.
– Giấy chứng nhận kết hôn bản gốc. Nếu không có giấy chứng nhận kết hôn bản gốc thì có thể thay thế bằng bản sao do cơ quan nhà nước nơi thực hiện việc đăng ký kết hôn cấp.
– Giấy khai sinh của các con (nếu đã có con).
– Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
– Giấy tờ của bên có quốc tịch Việt Nam gồm:
+ Bản sao chứng thực Chứng minh thư nhân dân
+ Bản sao chứng thực hộ khẩu
– Giấy tờ của bên có quốc tịch nước ngoài:
+ Bản sao hộ chiếu hoặc visa đã được hợp pháp hóa lãnh sự
+ Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có).

2. Thủ tục, trình tự giải quyết
– Nơi nộp hồ sơ: TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đương sự thường trú hoặc tạm trú.
– Thời gian giải quyết:
+ Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn từ 4 – 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
+ Thời hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Thời gian giải quyết vụ án ly hôn có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn thời gian luật quy định, tùy thuộc vào sự hợp tác của các bên và nội dung giải quyết tranh chấp.

Hỏi: Chồng tôi ngoại tình với một phụ nữ khác, tôi không thể chịu đựng được việc người thứ ba xen vào hôn nhân làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình tôi. Nay tôi muốn khởi kiện chồng và người phụ nữ kia vi phạm pháp luật có được không?
Trả lời:
Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định về Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án gồm:
1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
5. Tranh chấp về cấp dưỡng.
6. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.

Do đó, ngoại tình không thuộc một trong 6 tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Như vậy, một bên không thể khởi kiện bên kia ra tòa để giải quyết việc ngoại tình. Nếu việc chồng ngoại tình dẫn đến vợ chồng mâu thuẫn, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình thì bạn chỉ có thể khởi kiện xin ly hôn.
Về việc xử lý hành vi ngoại tình:
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Như vậy, hành vi của chồng bạn và người phụ nữ kia là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà chồng bạn và người phụ nữ kia có thể bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật như sau:
– Xử phạt hành chính: Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013 quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người thực hiện một trong các hành vi sau: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ…
– Truy cứu trách nhiệm hình sự: Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định như sau: Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng (có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát…) hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1năm.

Hỏi: Chúng tôi không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng được 4 năm và có 2 đứa con. Nay chúng tôi muốn chia tay thì có phải ly hôn tại tòa án không, con cái và tài sản giải quyết thế nào?
Trả lời:
Nghị quyết 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2001 trở đi, nam và nữ sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng.

Như vậy, với trường hợp của bạn, nếu bạn yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng.
Thủ tục ly hôn như sau:
Hồ sơ ly hôn bao gồm:
+   Đơn xin ly hôn
+   Giấy xác nhận của địa phương về quá trình chung sống của 2 người
+   Chứng minh nhân dân của vợ, chồng
+   Giấy khai sinh của con chung (bản sao có công chứng)
+   Giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu tài sản (trong trường hợp vợ chồng có yêu cầu tòa án chia tài sản chung của vợ chồng).
Nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án quận (huyện) nơi cả hai hoặc một trong các bên có hộ khẩu thường trú, tạm trú. Nếu 2 bên có hộ khẩu thường trú ở 2 nơi khác nhau thì đơn kiện sẽ nộp tại Tòa án quận (huyện) nơi bị đơn có hộ khẩu thường trú, tạm trú.
– Về con cái: Vợ chồng bạn thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Con dưới 3 tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu con đủ từ 9 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con.
– Về tài sản: Được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai vẫn thuộc về quyền sở hữu của người đó. Tài sản chung được chia theo nguyên tắc thỏa thuận của các bên, nếu không giải quyết được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức của mỗi bên, ưu tiên đến quyền lợi của phụ nữ và con.