Sự tích về tình yêu của dân tộc Lào

0
1554
Họ kể lại rằng, hai cây gạo (Cỏ mảy nghịu) mọc bên suối Nậm Mu tại bản Coóc Noọc từ lâu lắm rồi. Từ khi người Lào đặt chân đến mảnh đất Tam Đường, nơi mưa thuận, gió hòa để làm ăn và sinh sống. Chàng trai và cô gái cùng là người dân tộc Lào yêu nhau say đắm. Chàng trai là con trai của một tù trưởng có quyền lực và giàu có Thào Pa Ngần. Cô gái là con của một gia đình thường dân Khun Đú Nàng Của. Đã trải qua bao mùa nương mùa rẫy và mùa lễ hội té nước (Chin than) hai người cùng hẹn hò gặp nhau và té nước cùng nhau bên dòng Nậm Mu như bao nhiêu đôi trai gái khác. Chàng trai đã thưa chuyện với bố mẹ mình nhưng bị ngăn cấm và không cho phép kết hôn với con nhà thường dân. Thời gian cứ trôi đi, cô gái ngày đêm dệt váy áo cưới chờ chàng trai đến ăn hỏi nhưng cứ dệt xong bộ này rồi đến bộ khác mà không thấy chàng trai đến. Nghe tin chàng bị bố mẹ ngăn cấm, cô gái chạy ùa ra bờ suối Nậm Mu khóc nức nở. Những giọt nước mắt của nàng rơi xuống Nậm Mu làm cho nước suối trong suốt như minh chứng cho tình yêu chung thủy của nàng.
Chàng trai và cô gái đều bị bố mẹ ép kết hôn với người mà họ đều không có tình yêu. Ngày đêm mong nhớ, mỗi buổi chiều là nỗi buồn đến với cô gái và ra bờ suối hướng về chàng trai. Năm đó mùa xuân lại về, dân làng tổ chức lễ hội té nước tất to (Chin than – Đây là một lễ hội té nước của riêng dân tộc Lào được tổ chức hàng năm vào dịp tết), các chàng trai, cô gái đổ xô về dòng Nậm Mu để tham gia lễ hội. Tại đây hai người đã gặp lại nhau. Sau khi lễ hội sắp tàn hai người đã ở lại với nhau bên bờ suối Nậm Mu ôm chặt lấy nhau và thề cùng trời đất không bao giờ xa nhau nữa. Tình yêu của họ hóa thành hai cây giạo tươi tốt bên dòng Nậm Mu và sinh ra một cây gạo con bên cạnh hai cây bố mẹ ôm chặt lấy nhau. Vào độ mùa xuân chín hoa gạo nở màu đỏ thắm rất đẹp.
Cứ đến rằm tháng bảy hàng năm và mỗi độ xuân về những đôi trai gái nơi đây họ thắp hương, cúng lễ và cầu mong được hạnh phúc bên nhau suốt đời như sự tích về hai cây gạo. Họ kỳ công tìm hai con gà có lông màu đỏ như hoa gạo để làm lễ cầu mong hạnh phúc. Đã trải qua bao thời gian mưa gió, lũ quét nhưng hai cây gạo vẫn tươi tốt quấn quýt với nhau bên dòng Nậm Mu thể hiện tình yêu bền chặt và bất diệt với thời gian.
Cũng có một giả thiết nữa cho rằng khi hai người gặp nhau tại lễ hội té nước họ đã có quan hệ “tình cảm” với nhau (trong khi lễ hội này người ta cấm điều đó) dân bản bắt được nên đưa hai người đến bên suối Nậm Mu chôn sống họ và để thể hiện tình yêu thủy chung với mọi người nên đã mọc thành hai cây gạo như ngày hôm nay.
Bài ảnh Ls Trần Khắc Thanh
Ghi chép theo lời kể của cụ Lò Văn Nó, 80 tuổi tại bản Coóc Noọc  và một số người dân tại địa phương.