KẾ HOẠCH DI CHUYỂN BIA LÊ LỢI VÀ PHỤC DỰNG KHU DINH THỰ ĐÈO VĂN LONG NHƯ THẾ NÀO?

0
2311

Bia Lê Lợi nằm giữa ngã ba sông nơi giao nhau giữa dòng Nậm Na và con sông Đà hùng vĩ tại xã Lê Lợi. Năm 1981, Bộ Văn hoá Thông tin ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Vào đầu thế kỷ XV tại vùng đất này Tù trưởng Châu Ninh Viễn (Lai Châu ngày nay) là Đèo Cát Hãn đã hai lần làm phản, câu kết với giặc Minh (Trung Quốc) âm mưu chia cắt miền đất phía Tây (có Lai Châu) và lệ thuộc vào nhà Minh. Khi đó nhà Lê có chính sách khoan hồng và mềm dẻo nhưng Cát Hãn đã bất chấp thiện chí đó và còn tăng cường đánh chiếm mở rộng lãnh thổ cai trị xuống tận Mường Muổi (thuộc tỉnh Sơn La ngày nay) gây bao đau thương và tội ác cho người dân Tây Bắc. Sau khi cùng với quân dân cả nước đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Minh (1428) và ngay sau đó năm 1431 Lê Lợi đã cầm quân, bằng chiến thuyền đi dọc sông Đà lên dẹp yên tù trưởng Cát Hãn làm phản và chấm dứt sự ảnh hưởng của nhà Minh thống nhất bờ cõi đất nước. Sau khi thắng trận (tháng 1/1432) Lê Lợi đã khắc bút tích trên bia đá (bia Lê Lợi) nhằm răn đe những kẻ làm phản nơi phên dậu của tổ quốc, khẳng định chủ quyền và thống nhất Quốc gia lúc bấy giờ.

Phương án di chuyển bia Lê Lợi
Thuỷ điện Sơn La được khởi công thì bia Lê Lợi nghiễm nhiên nằm trong vùng lòng hồ bị ngập lụt. Đứng trước tình hình đó, năm 2006 Sở văn hoá – thể thao và du lịch tỉnh Lai Châu (VHTT & DL)đã trình lên Bộ văn hoá – thể thao và du lịch kế hoạch di chuyển và được Bộ ra văn bản chỉ đạo việc di chuyển (2006) bia Lê Lợi. Bảo tàng Lịch sử Văn hoá các dân tộc tỉnh Lai Châu là đơn vị chuyên môn được sở VHTT&DL tỉnh dao nhiện vụ lập kế hoạch và phương án di chuyển với đơn vị thi công là Công ty tư vấn kiến trúc Hoàng Đạo có trụ sở tại Hà Nội. Đây là loại hình di tích lịch sử nằm trên vách đá mang bài thơ, bút tích của vua Lê Thái Tổ. Khu di tích mới dự kiến rộng khoảng 500m2, hướng bia ra sông Đà, có đường thuỷ và đường bộ. Mở đầu cụm kiến trúc sẽ là một Nghi Môn, tiếp đó là khoảng sân lát gạch bát phục chế. Chính giữa khoảng sân là nhà che bia được xây dựng mới. Phía sau là một khoảng sân có ngôi đền nhỏ, bên trái nhà là một nhà khách và xung quanh khuôn viên di tích trồng một số cây xanh lưu niệm. Dự kiến kinh phí đầu tư cho phương án di chuyển đến địa điểm mới khoảng trên 13 tỷ đồng do nguồn vốn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đền bù cho dự án vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Sơn La.

Hiện trạng di tích bia Lê Lợi nằm ven đường tại Km15 – Lai Hà – Mường Tè. Cốt cao độ của bia thấp hơn 10m so với cốt nước ngập thuỷ điện. Với một khối đá hàng chục tấn và phải đảm bảo cho khối đá được nguyên vẹn, không vỡ, sứt mẻ thì phương án di chuyển càng phải khả thi. Ông Vàng Ngọc Du – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Văn hoá các dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết: Địa điểm mới dự kiến di chuyển đến là khu vực gần dinh thự Đèo Văn Long hoặc theo hướng thẳng đứng lên cao so với địa điểm cũ. Nếu di chuyển lên trên theo hướng thẳng đứng thì việc san lấp mặt bằng sẽ phức tạp và rất tốn kém còn chuyển sang gần khu dinh thự Đèo Văn Long thì không phù hợp với tính chất và ỹ nghĩa lịch sử của hai di tích. Phương án di chuyển lên cao vấn là khả thi.

Và phục dựng khu dinh thự Đèo Văn Long
Năm1980, UBND tỉnh Lai Châu (cũ) ra quyết định công nhận dinh thự Đèo Văn Long là di tích cấp tỉnh. Là một người tự xưng “vua Thái” cai trị khu vực Tây Bắc từ Lai Châu xuống Sơn La ngày nay trước 1954. Khu dinh thự là nơi ở, nơi làm việc của Đèo Văn Long. Việc phục chế lại dinh thự khó khăn và phức tạp bởi có nhiều lý do của nó. Theo ông Vương Vĩ Thọ – Cán bộ sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu cho biết: Dinh thự này nay chỉ còn lại là “phế tích”, người dân không có ý thức giữ dìn và bảo vệ. Các nhân chứng biết về dinh thự còn rất ít hoặc những nhân chứng còn e ngại cung cấp các thông tin cho cơ quan tiến hành phục dựng. Hiện nay sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu đã liên hệ với các hậu duệ của Đèo Văn Long đang định cư tại Pháp và đã được cung cấp một số thông tin, hình ảnh liên quan đến Đèo Văn Long và Khu Dinh thự. Với vị trí hiện nay, dinh thự không bị ngập lụt nếu nước hồ thuỷ điện Sơn La dâng.
Việc di dời, tu bổ bia Lê Lợi và phục dựng khu dinh thự Đèo Văn Long không những duy trì, bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hoá mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước nồng nàn, niềm tự hào dân tộc, đồng thời  gắn liền với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng và Nhà nước ta đang phát động và đi vào cuộc sống. Góp phần tạo động lực cho việc phát triển kinh tế về du lịch, văn hoá tại lòng hồ thuỷ điện Sơn La nói chung và Lai Châu nói riêng.