Tư vấn tội cưỡng đoạt tài sản, Điều 135 Bộ luật hình sự

0
5398

1.     Khái niệm:
Cưỡng đoạt tài sản được hiểu là hành vi đe dọa sẽ dung vũ lực, hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
2.     Các yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản
2.1.         Mặt khách quan
a)     Có hành vi dùng vũ lực. Được hiểu là hành vi của người phạm tội sẽ thực hiện một hành động (hay đe dọa sẽ sử dụng sức mạnh vật chất) để gây thiệt hại cho người bị hại.  Mục đích của việc đe dọa này là làm cho người bị hại sợ và giao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra gắn liền với hành vi đe dọa trên.
Khác với hành vi đe dọa sẽ dung vũ lực trong tội cướp tài sản, việc đe dọa này không mang tính mãnh liệt và tức thời, người bị hại hoàn toàn có điều kiện chuẩn bị đối phó và chưa đến mức làm tê liệt ý chí kháng cự của họ mà chỉ hạn chế ở chỗ làm cho họ lo sợ ở mức độ nhất định, đồng thời họ vẫn có thời gian để lựa chọn giữa việc kháng cự hay chấp nhận giao tài sản. việc đe dọa được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
b)    Các hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác. Được hiểu là dùng các thủ đoạn gây áp lực rất lớn về tinh thần của người bị hại để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra, kèm với việc dùng thủ đoạn đó.
Các thủ đoạn thường sử dụng là lợi dụng lỗi lầm, khuyết điểm của người bị hại mà người phạm tội biết được để đe dọa sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ hoặc dọa gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ xã hội khác như các mối quan hệ kinh doanh.
Lưu ý:
Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo đòi hỏi về giao tài sản để chiếm đoạt. Nếu chỉ thuần túy đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần mà không có hay không gắn liền với yêu cầu về tài sản để chiếm đoạt thì không cấu thành tội này.
Nếu người phạm tội có hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện, kế hoạch … để de dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa thực hiện được thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
Hành vi phạm tội đối với bị hại được thực hiện công khai. Công khai là công khai về hành vi phạm tội chứ không phải công khai bản thân người phạm tội.
2.2.         Khách thể
Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
2.3.         Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Về nguyên tắc mục đích chiếm đoạt tài sản phải có trước hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác. Nhưng cũng có trường hợp chuyển hóa tội phạm, có nghĩa là người phạm tội đã thực hiện một tội phạm khác, nhưng sau đó lại xuất hiện mục đích chiếm đoạt tài sản, thì cũng phạm tội này.
2.4.         Chủ thể
Chủ thể của tội cưỡng đoạt tài sản là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Liên hệ: Luật sư Trần Khắc Thanh
Địa chỉ: 76, Nguyễn Phong Sắc, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 04 66 705 333; Hotline 0913 451 699