Nhiều luật sư cho rằng quyền tham gia tố tụng của họ ngay từ khi khởi tố bị can theo Bộ luật Tố tụng Hình sự ở một số nơi vẫn bị cản trở và đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới án oan sai còn nhiều. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết:
– Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định cụ thể quyền của các luật sư tham gia từ đầu quá trình tố tụng (ngay từ khi khởi tố bị can). Trong thực tế có những nơi đã tạo điều kiện cho luật sư làm việc đúng chức năng của mình (như Công an TP HCM, Hà Nội), nhưng cũng có nơi nhận thức về vấn đề này chưa đầy đủ, chưa đúng như luật định. Chẳng hạn, có nơi xem việc luật sư tham gia tố tụng là làm lộ bí mật, thậm chí còn cho là gây cản trở quá trình điều tra.
Trong quá trình thảo luận Pháp lệnh Luật sư có đa số ý kiến, đặc biệt của các luật sư, muốn có hẳn một chương để nói rõ về vấn đề này để các cơ quan tố tụng có trách nhiệm thực hiện đúng. Thực tế, trong quá trình dự thảo pháp lệnh cũng như nghị định đã có nhiều phương án đặt ra, song càng đi sâu vào cụ thể càng thấy thiếu. Ví dụ, nếu đi vào lĩnh vực hình sự thì lại thiếu dân sự, đi sâu vào dân sự thì lại thiếu lĩnh vực lao động, hành chính… Do đó, nếu đưa vào chi tiết hơn thì sẽ dẫn đến hoặc là Pháp lệnh Luật sư chồng chéo bên luật tố tụng, hoặc không đầy đủ. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa phương án cụ thể mà dành cho pháp luật tố tụng quy định.
Hiện tại, Bộ luật Tố tụng Hình sự đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung (VKSND Tối cao chủ trì). Vấn đề nêu trên rất được quan tâm.
– Bức bách vậy nhưng từ trước đến nay đã có vụ nào cơ quan tố tụng vi phạm quyền của luật sư mà bị xử lý chưa?
– Chúng tôi đã được nghe phản ánh một số vụ việc cụ thể, nhưng đến nay chưa có vụ nào phải bị xử lý. Lý do, có thể do luật sư không đấu tranh đến cùng bảo vệ quyền hành nghề của mình với cơ quan tố tụng làm sai luật nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ.