Bản phân tích pháp lý về hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 139 Bộ luật Hình sự của Văn phòng luật sư APEC Việt Nam

0
3276

1. Nội dung vụ việc
Năm 2005 có dự án 661 về việc nhận đất trồng rừng và chăm sóc, bảo vệ rừng theo dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng của Chính phủ trê địa bàn xã K.T, huyện K, tỉnh H. Bà H đã đề nghị nhận đất trồng rừng và được Công ty rau quả HT. Nhưng vì lý do không có hộ khẩu thường trú tại xã K.T nên bà H đã nhờ ông Lê Thanh H có hộ khẩu thường trú tại K.Tđứng tên hộ trong đơn xin nhận đất và ký hợp đồng số 10 ngày 20/8/2005 với Công ty rau quả HT để nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trên diện tích 4,8ha thuộc lô 1 + 2 khoảnh K9PK1 vùng C H, xã K.T, huyện K, tỉnh H. Nhưng sau đó, vào khoảng tháng 9/2005 bà H lại nhờ ông Lê Văn Đ – là họ hàng với mình đứng tên hộ, thay cho ông Lê Thanh H, và trong hồ sơ cũng làm lại Đơn xin nhận đất; và ký vào Hợp đồng cũng số 10 nhưng không ghi ngày tháng, chỉ ghi năm 2005 với Công ty rau quả HT cũng với diện tích rừng 4,8ha trên. Do là nhờ đứng tên hộ nên trong Đơn xin nhận đất và Hợp đồng này với Công ty rau quả HT bà H chỉ viết tên ông Lê Văn Đ chứ không có chữ ký của ông Đ. Sau khi làm xong thủ tục thì bà H được nhận một bản gốc hợp đồng.
Đến năm 006, khi phát hiện thấy ông Đ có dấu hiệu chiếm đất mà mình nhờ đứng tên, chị H đã báo Công ty rau quả H T cắt hợp đồng với ông Đ và lại nhờ ông Lê Thanh H trở lại đứng tên hộ thông qua việc ký lại hai hợp đồng Số 182 ngày 25/5/2006 và HĐ không số ngày 01/01/2007.
Năm 2010 khi dự án S đền bù bà H không ủy quyền cho ông  làm thủ tục nhận tiền đền bù nhưng ông Đ đã lợi dụng việc đứng tên trong hợp đồng trước đây để chiếm đoạt số tiền đền bù từ S. Từ khi giao đất đến khi bị thu hồi, bà H là người trực tiếp trông, chăm sóc và bảo vệ rừng, ông Đ không tham gia và không đầu tư vào diện tích rừng nói trên. Chi chí mà bà H và gia đình đầu tư là 180.000.092.000Đ, được Công ty rau quả HTchi trả 7.543.000Đ.
Sau đó Bà H có đơn Tố cáo đên Công an Huyện K tố cáo và đề nghị xử lý hành vi của ông Lê Văn Đ  theo quy định của Pháp luật. Song lần lượt Công an Huyện K, Công an tỉnh H, Viện Kiểm Sát nhân dân huyện K và tỉnh H đều kết luận Không có căn cứ khởi tố Ông Lê Văn Đ.
2. Quan điểm của VPLS Apec Việt Nam
–     Từ lời khai của bà Bùi Thị H, ông Lê Văn H, ông Nguyễn Xuân H, Lê Văn T là trùng khớp và phù hợp với kết luận giám định chữ viết “Lê Văn Đ” trong Đơn xin nhận đất trồng rừng và hợp đồng số 10 do ông Đ và bà H cung cấp. Cùng với việc ông Lê Văn Đ không xuất trình được bản gốc hợp đồng, không có người làm chứng, hay tài liệu khác chứng minh cho ý kiến của mình. Có thể kết luận bà H là người trực tiếp lập hồ sơ xin nhận đất, ký hợp đồng với công ty rau quả HT; là người trực tiếp trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng 4,8ha mà hai bên tranh chấp. Ông Lê Văn Đ chỉ là người đứng hộ trong các giấy tờ, giao dịch.
–     Ông Lê Văn Đ đã có hành vi gian dối, Cụ thể là đã ký và ghi thêm ngày tháng vào hợp đồng số 10, Giấy xin nhân đất; cung cấp hợp đồng chứng thực trái pháp luật để từ đó nhận tiền Bồi thường và hỗ trợ từ Công ty S. Công an huyện K cũng chưa điều tra, làm rõ và kết luận về hành vi gian dối này của ông Đ.
–  Về việc hợp đồng của ông Đ với Công ty rau quả HT đã thanh lý hay chưa?
Theo lời khai của ông Bùi Xuân D – nguyên là Giám đốc Công ty rau quả HT  khẳng định Năm 2006 theo phản ánh của cán bộ quản lý vùng đã cắt hợp đồng với ông Lê Văn Đ và ký lại với ông Lê Thanh H, các hợp đồng ký với ông Lê Văn H đều có sự chứng kiến của UBND xã K . Tuy nhiên việc Thanh lý hợp đồng này không được lập thành văn bản, mà chỉ Thống báo với Ông Lê Văn Đ thông qua cán bộ quản lý vùng Đồng thời có văn bản gửi tới UBND xã K. Ông D khẳng định kể từ thời điểm này ông Đ không có quyền lợi và nghĩa vụ gì khác liên quan đến diện tích rừng này nữa và việc ông Đ nhận tiền đền bù là sai. Phù hợp với lời khai của ông Hoàng T là cán bộ phụ trách địa bàn xã K  phục vụ dự án 661 từ năm 2006, rằng sau khi kiểm tra thực địa, và gặp ông Đ để xác minh thì ông T đã báo cáo với ông Đặng Bá M và thống nhất chấm dứt hợp đồng với ông Đ và thay bằng hợp đồng với ông Lê Thanh H.
Như vậy, đến thời điểm năm 2006, hợp đồng số 10 của ông Đ đã được thanh lý, công ty rau quả HT đã thông báo đến Ông Đí, UBND xã K và những người liên quan khác. Các bên đã ký kết hợp đồng với ông Lê Thanh H để thay thế.
Mặt khác trong quá trình điều tra, xác minh Công an huyện K, VKS nhân dân huyện K đã kết luận sự thật khách quan của sự việc là: Diện tích rừng 4,8ha thuộc lô 1 + 2 khoảnh K9PK1 vùng C, xã K, huyện K, tỉnh H là do Công ty rau quả H T giao cho ông Lê Thanh H đứng tên để trồng, chăm sóc và bảo vệ. Nhưng thực tế người trực tiếp thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo vệ là vợ chồng bà H, ông Ng. Ông Lê Văn Đ cũng đã từng đứng tên hộ bà H trong các giấy tờ đối với mảnh rừng nói trên nhưng đã bị Công ty rau quả HT thanh lý hợp đồng để giao cho ông Lê Thanh H.
Như vậy theo quy định của pháp luật, Ông Lê Thanh H là chủ sở hữu hợp pháp đối với diện tích rừng nói trên. Nên ngay sau khi UBND huyện K có quyết định thu hồi, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với dự án S thì Số tiền được bồi thường, hỗ trợ đã là tài sản hợp pháp của Ông Lê Thanh H – Nên người bị thiệt hại trực tiếp trong vụ việc chính là ông Lê Thanh H, giá trị tài sản bị thiệt hại là số tiền mà Hội đồng bồi thường tái định cư huyện Kỳ chi trả cho 4,8h rừng nói trên là 420.050.644Đ; Hội đồng bồi thường chỉ là người quản lý chứ không phải là người bị thiệt hại trong quan hệ này. Còn việc Ông Lê Thanh H trả số tiền này cho Bà Hoa là theo thỏa thuận dân sự giữa hai bên, là một quan hệ pháp luật hoàn toàn khác.
Từ những phân tích trên, Đối chiếu với các yếu tố cấu thành tội phạm của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 139 Bộ luật hình sự chúng ta thấy:
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
–     Thứ nhất về mặt khách quan: Ông Lê Văn Đ đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể thủ đoạn gian dối là: Tự ý hoàn thiện về hình thức của hợp đồng là viết thêm ngày tháng, ký thêm chữ ký, và chứng thực hợp đồng không có bản gốc của hợp đồng để làm cho Hội đồng bồi thường nhầm tưởng là thật để Hội đồng bồi thường giao số tiền của ông H cho ông Đ. Thứ hai mặc dù biết hợp đồng của mình đã bị thanh lý, hết hiệu lực nhưng ông Lê Văn Đ vẫn thực hiện hoàn thiện và xuất trình hợp đồng hết hiệu lực để Hội đồng bồi thường tưởng là thật mà giao tài sản.
Hành vi chiếm đoạt tài sản tức là hành vi chuyển dịch trái pháp luật tài sản của ông H thành của mình, hành vi này đã hoàn thành, ông Đ đã nhận tiền từ Hội đồng bồi thường.
Giữa hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt này có mối quan hệ nhân quả, tức là Hội đồng bồi thường đã vì nhầm lẫn bởi thủ đoạn gian dối của ông Đính mớ giao số tiền bồi thường, hỗ trợ cho ông Đ.
Về giá trị tài sản: 420.050.644Đ lớn hơn 2.000.000Đ thỏa mãn quy định của pháp luật về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
–     Về khách thể: Hành vi của ông Đ xâm phạm quyền sở hữu tài sản của ông Lê Thanh H.
–     Mặt chủ quan: Ông Đ đã thực hiện hành vi với lỗi có ý trực tiếp. Tức là biết hợp đồng bị thanh lý vẫn cố tình sửa, chứng thực trái pháp luật để cung cấp cho Hội đồng bồi thường. Biết tài sản không phải của mình nhưng vẫn dùng thủ đoạn gian dối để chiếm giữ trái pháp luật.
–     Mặt chủ thể: Ông Lê Văn Đ là người có năng lực trách nhiệ hình sự nên là chủ thể của tội phạm này.
Như vậy hành vi của ông Đ đã đủ yêu tố cấu thành tội phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ Luật hình sự.
Theo Quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự thì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không thuộc trường hợp Khởi tố theo yêu cầu người bị hại, nên việc ai tố cáo, và tư cách của người tố cáo như thể nào không phải là căn cứ để khởi tố vụ án. Nên việc Viện kiểm sát nhân dân huyên K, Công an huyện Kquyết định không khởi tố vụ án là sẽ bỏ lọt tội phạm.
Về hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân huyện K  hướng dẫn bà H khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân huyện K. Theo chúng tôi là không phù hợp bởi vì:
Nếu khởi kiện thì người khởi kiện phải là Ông Lê Thanh H, và ông H phải kiện Hội đồng bồi thường vì việc không chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho ông, còn việc Hội đồng bồi thường bị lừa là một quan hệ khác, Hội đồng có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp. Thứ hai, việc khởi kiện dân sự là một việc hoàn toàn độc lập với Đơn tố cáo của Bà H, giả sử Bà H hay ông Hải khởi kiện cũng không thể làm vô hiệu hành vi phạm tội của ông Đ.
Trên đây là toàn bộ ý kiến của Văn phòng luật sư Apec Việt Nam dựa trên những tài liệu mà bà cung cấp. Cảm ơn vì đã sử dụng dịch vụ của chúng tôi!
Trân trọng!
                                                                                                                                                                         Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2014

                                                       VĂN PHÒNG LUẬT SƯ APEC VIỆT NAM

 Liên hệ để được tư vấn: Văn phòng luật sư APEC Việt Nam, 76, Nguyễn Phong Sắc, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Hotline: 0913451699