6 vạn người bị Liên Kết Việt lừa đảo: “Bộ Công Thương phải quy được trách nhiệm cán bộ”

0
3705

 “Không có kinh doanh đa cấp, xã hội Việt Nam vẫn phát triển!”
Thưa ông, sau một thời gian im lặng thì gần đây, đại diện Bộ Công Thương cũng đã lên tiếng về vụ lừa đảo tại Liên Kết Việt. Ông có đánh giá như thế nào về điều này?
Xoay quanh câu chuyện đa cấp đã có rất nhiều vụ lừa đảo và những năm gần đây không thiếu. Câu hỏi đặt ra là để xảy ra sự việc lừa đảo tại Liên Kết Việt lỗi tại ai? Nguyên nhân gì? Ngoài ban quản trị Liên Kết Việt thì còn có nguyên nhân nữa là lỗ hổng trong hoạch định chính sách và quản lý của các cơ quan nhà nước, mà cụ thể ở đây là Bộ Công Thương. Rõ ràng là có vấn đề!
Cần phải quy ra xem trong vụ việc này có trách nhiệm của Bộ Công Thương mà cụ thể là trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo Bộ Công Thương hay không?
Những vấn đề tại Liên Kết Việt đã được truyền thông vào cuộc cách đây nửa năm, đã cảnh báo về những hành động lừa đảo đầy thô thiển rồi nhưng cơ quan quản lý vẫn để tái diễn.
Cần đặt câu hỏi, phóng viên là người bình thường còn phát hiện ra được chuyện lừa đảo, vậy thì Bộ Công Thương ở đâu trong câu chuyện này? Vì sao Bộ không cảnh báo cho người dân biết?
Do đó, tôi cho rằng, dứt khoát cần phải có người chịu trách nhiệm. Nếu cứ để như thế này thì vài ba năm sau lại xuất hiện một Liên Kết Việt khác và rồi lại rất nhiều người mắc bẫy, mất tiền.
Bộ Công Thương có cho biết họ đã từng thanh tra và xử phạt Liên Kết Việt từ tháng 7/2015 (tức 7 tháng sau khi công ty này được cấp phép lại) nhưng không công bố rộng rãi…
Không công bố thì ai biết? Không công bố thì anh xử phạt làm gì? Tóm lại theo tôi là Bộ Công Thương phải nhận trách nhiệm trong câu chuyện này: trách nhiệm về quản lý nhà nước và trách nhiệm về xây dựng chính sách. Bộ Công Thương phải quy được trách nhiệm cán bộ và phải có người đứng ra chịu trách nhiệm trong vụ việc này chứ không phải đơn giản chỉ ra giải thích dăm ba câu như vừa qua được.
Phải nhớ Liên Kết Việt không phải là trường hợp đầu tiên mà đã có rất nhiều trường hợp khác rồi, rất nhiều vụ rồi. Hậu quả cuối cùng là người nghèo gánh chịu!
Theo ông, để giải quyết vấn đề này cần phải làm gì?
Tôi thấy rằng, nếu Việt Nam không có kinh doanh đa cấp thì cũng chẳng chết ai! Không có đa cấp thì xã hội chúng ta vẫn phát triển thậm chí cuộc sống càng lành mạnh hơn mà thôi.
Tất nhiên, trong thương mại vẫn xảy ra gian lận, lừa đảo lẫn nhau, nhưng ở đây tôi thấy hầu như họ “đánh” vào túi tiền của những người nghèo khổ, trình độ hạn chế.
Cá nhân tôi thấy loại hình kinh doanh này mặc dù hợp pháp nhưng dễ bị lợi dụng, biến tướng, lừa đảo.
Trả lời của Bộ Công Thương cứ nói chung chung mà chưa thấy rút ra được bài học gì.
Do vậy, chúng tôi kiến nghị: Thứ nhất, Bộ Công Thương một là dừng cấp phép mới các công ty đa cấp. Thứ hai, tổng kết, rà soát lại hoạt động của những công ty hiện có. Công ty nào kinh doanh lệch lạc, sai phạm thì phải rút giấy phép hoặc phải điều chỉnh không cho hoạt động đa cấp nữa. Phải siết lại các điều kiện về kinh doanh đa cấp, phải “bịt” toàn bộ những lỗ hỗng tạo điều kiện cho lừa đảo ở lĩnh vực này và phải tăng cường chế tài xử phạt hơn nữa.
Thực tế, Nghị định 42 về quản lý kinh doanh đa cấp do Bộ Công Thương xây dựng và bản thân Cục Quản lý cạnh tranh đang chịu trách nhiệm về lĩnh vực này cũng là đơn vị xây dựng chính sách.
cấp để lừa đảo hàng chục nghìn người
“Người ta đã hô “có cướp, có cướp!” rồi mà…”
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải có nói rằng, khi Việt Nam gia nhập WTO thì một điều khoản là phải thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của loại hình kinh doanh đa cấp?
Kể cả như vậy thì vẫn phải đặt lên trên hết việc bảo vệ môi trường kinh doanh, bảo vệ sự tốt đẹp cho cuộc sống của người dân.
Đa cấp lừa đảo, theo tôi còn tệ hơn rất nhiều so với tệ nạn kinh doanh cờ bạc. Trả lời của đại diện Bộ Công Thương tôi thấy nhẹ nhàng quá! Vậy lỗi là của dân hay sao?
Ông suy nghĩ như thế nào về lập luận cho rằng, để xảy ra câu chuyện lừa đảo còn xuất phát từ lòng tham của chính những người tham gia?
Tất nhiên là lừa đảo thường đánh vào lòng tham, ham tiền. Nhưng với dân trí thấp thì tự bản thân người dân, đôi khi họ không tự bảo vệ được mình và cần cơ quan quản lý nhà nước giám sát, bảo vệ.
Không phải ai cũng hiểu biết về lĩnh vực này. Do đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là phải hướng dẫn, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là phải bảo vệ được người dân, nhất là với bộ phận dân trí còn thấp. Chứ bây giờ để chuyện lừa đảo có điều kiện nảy nở, phát triển như vậy, tôi cho là không thể chấp nhận được!
Một anh đeo lon chuẩn úy đã xuất ngũ 15 năm trước, giờ cả gan đeo lon đại tá cả một thời gian dài mà không ai biết. Rất vô lý! Chưa kể, truyền thông đã cảnh báo từ trước mà cơ quan quản lý là Bộ Công Thương vẫn không lên tiếng. Nhẽ ra, ngay khi xuất hiện những thông tin đó, với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã phải hành động và lên tiếng rồi.
Người ta đã hô “có cướp, có cướp!” rồi mà…
Theo ông, vấn đề ở đây thuộc về nhận thức, trình độ hay sự tắc trách?
Theo tôi, đây là câu chuyện trách nhiệm quản lý nhà nước. Hơn nữa, cơ chế cấp phép theo kiểu “xin – cho” hiện tại, tôi cho rằng không thật ổn và dễ phát sinh tiêu cực. Nhiều vấn đề rất khó nói!
Cho nên tôi vẫn nhắc lại kiến nghị của chúng tôi là phải dừng cấp phép mới với loại hình kinh doanh đa cấp. Tôi theo dõi thấy không biết bao nhiêu vụ lừa đảo rồi, mà cứ mở rộng hơn thì không biết còn bao nhiêu người tiếp tục bị lừa.
Bao nhiêu trường hợp lừa đảo đã xảy ra, kể cả vụ Liên Kết Việt này, người ta đã hô hào hàng tháng trước đó, đến khi xử lý hậu quả lại là Bộ Công An!
Do đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội cũng phải truy mạnh mẽ trách nhiệm của những cá nhân, tập thể cơ quan quản lý sau sự việc này.
Xin cảm ơn ông!