Tư vấn tội trộm cắp tài sản của Văn phòng Luật sư APEC Việt Nam

0
1720

Tìm hiểu tội trộm cắp tài sản
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
1.     Mặt khách quan của tội phạm
a)     Về hành vi: Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Trên thực tế, hành vi này làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản không thể thực hiện được các quyền năng (gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hay quản lý) đối với tài sản của họ hoặc được giao quản lý, đồng thời những quyền này lại thuộc về người phạm tội và người này có thể thực hiện được các quyền này một cách trái pháp luật.
Ví dụ: Tên trộm đã lấy một chiếc tivi mang về nhà sử dụng, sau đó bán đi.
Đặc trưng của hành vi chiếm đoạt được thực hiện một cách lén lút, bí mật. Việc lén lút, bí mật là nhằm để che giấu hành vi phạm tội để chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết về việc chiếm đoạt đó.
Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội trộm cắp tài sản với các tội có tính chiếm đoạt khác (như tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản …).
Việc che giấu hành vi phạm tội có thể được thực hiện bằng các hình thức khác nhau, cụ thể là:
–         Che giấu toàn bộ hành vi: Trường hợp này, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết được bất cứ thông tin nào về người phạm tội cũng như hành vi phạm tội (ví dụ: Lợi dụng đêm tối, lẻn vào nhà người khác lấy trộm tài sản).
–         Che giấu một phần hành vi: Tức chỉ che giấu riêng hành vi phạm tội (ví dụ: kẻ phạm tội giả vờ vào hỏi chủ nhà xin nước uống, giả vờ hỏi thăm đường đi … và nhanh tay trộm tài sản giấu vào người). Trước trường hợp này chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản biết rõ người phạm tội nhưng không biết hành vi phạm tội.
–         Che giấu tính chất của hành vi phạm tội: Được hiểu là hành vi phạm tội được diễn ra công khai nhưng không ai biết việc phạm tội (ví dụ: Lợi dụng đám cưới đông người, người giữ xe tưởng là bạn bè của cô dâu, chú rể nên để cho kẻ phạm tội tự do dắt xe khỏi nơi giữ do mình quản lý).
b)    Dấu hiệu khác.
Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu giá trị tài sản dưới hai triệu đồng thì phải thuộc các trường hợp: Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản (như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội cướp tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản …) nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là daaus hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Lưu ý:
Về đối tượng trộm cắp tài sản gồm: Vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản (quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Tuy nhiên, thực tế thì quyền tài sản khó (hoặc không thể) là đối tượng của tội trộm cắp tài sản (chẳng hạn như quyền sử dụng đất) vì quyền tài sản tuy được coi là tài sản nhưng có tính đặc thù, chỉ là một quyền năng mang tính pháp lý được Nhà nước bảo hộ, để chuyển dịch được phải thông qua các thủ tục pháp lý (thường là phức tạp) do Nhà nước quy định nên không thể lén lút mà chiếm đoạt được. Trong trường hợp nhất định mà chuyển dịch được quyền này thì lại cấu thành các tội phạm tương ứng khác.
Ví dụ 1: Để chuyển dịch quyền sử dụng một người đã phải trả giấy tờ mua bán có công chứng để chuyển dịch quyền sử dụng đất của người khác thành của mình tức sang tên mình. Trong trường hợp này hành vi nêu trên cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Ví dụ 2: Một người không đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất (bằng giấy tay) cho một người khác bằng thủ đoạn là nói với người mua rằng đất này là do mình là chủ sử dụng để người mua giao tiền. Tuy nhiên thì thực chất chủ sử dụng đất là người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này hành vi nêu trên cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong thực tiễn (qua thông tin từ báo, đài, tạp chí Toà án được biết) các cơ quan pháp luật còn truy tố và xét xử hành vi “trộm cước viễn thông” với tội danh là trộm cắp tài sản.
Việc truy tố, xét xử “hành vi trộm cước viễn thông” như nêu trên là không có căn cứ xét trên hai phương diện sau:
–         Thứ nhất: Cước viễn thông được xem là tài sản vì đây là lợi tức (nếu dã thu được tiền cước) của tài sản là máy móc, thiết bị viễn thông mà đơn vị khai thác kinh doanh thu được. Vì vậy, nếu hành vi trộm cắp mà đối tượng bị chiếm đoạt là số tiền thu được của các đơn vị cung cấp dịch vụ thì chủ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản, còn việc sử dụng lén lút của đường truyền (gồm vô tuyến, hữu tuyến) mà không trả tiền cho đơn vị khai thác (tức nhà cung cấp là các công ty viễn thông), kinh doanh chỉ có thể là hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nếu là tiền nợ cước hoặc là hành vi sử dụng trái phép tài sản nếu là lén lút sử dụng không trả tiền chứ không phải là hành vi trộm cắp tài sản.
–         Thứ hai: Trường hợp sử dụng lén lút đường truyền là sóng (tần số) vô tuyến để khai thác kinh doanh thu lợi bất chính thì cũng không phải là hành vi trộm cắp tài sản. Hành vi nêu trên cấu thành một trong hai tội là tội sử dụng trái phép tài sản của người khác hoặc tội kinh doanh trái phép là hợp lý hơn cả.
–         Thứ ba: Sóng vô tuyến (tần số vô tuyến) không phải là tài sản, cũng không được xem là quyền tài sản nếu xét theo khái niệm được quy định trong Bộ luật dấn sự.
2.     Khách thể
Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
3.     Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
4.     Chủ thể
Chủ thể của tội trộm cắp tài sản là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Tư vấn tội trộm cắp tài sản của Văn phòng Luật sư APEC Việt Nam
76, Nguyễn Phong Sắc, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại 04 66 705 333; Hotline  0913451699
Email: vpls.apecvietnam@gmail.com; wed: luatsutrankhacthanh.com