Tư vấn luật hình sự về đồng phạm của Văn phòng luật sư APEC Việt Nam

0
1435

Điều 20 Bộ luật hình sự về Đồng phạm.

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

– Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
– Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
– Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
– Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Một tội phạm có thể do một người riêng lẻ gây ra và cũng có thể do hai hoặc nhiều người cùng gây ra. Theo khoản 1 Điều này thì “đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.

Luật hình sự Việt Nam coi đồng phạm là một hình thức đặc biệt của việc thực hiện tội phạm do tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp phạm tội riêng lẻ, do đồng phạm là sự liên kết hành động phạm tội của một số người làm cho tội phạm có tính chất mới, cụ thể là:

– Trường hợp nhiều người cùng gây ra tội phạm thì thường gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn trường hợp chỉ có một người phạm tội.

– Trong trường hợp đồng phạm, số người, thời gian vào việc thực hiện tội phạm nhiều hơn và giữa họ có điều kiện giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất, do đó hoạt động phạm tội kiên quyết và táo bạo hơn. Ngược lại, người phạm tội riêng lẻ có khi không dám liều lĩnh phạm tội đến cùng vì tự nhận thấy mình lẻ loi.

– Trong vụ đồng phạm, dễ che giấu vết tích của tội phạm để trốn tránh sự truy tìm của các nhà chức trách.

Những tội phạm nguy hiểm nhất thường được thực hiện dưới hình thức đồng phạm.
Ví dụ: Các tội xâm hại an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu …

Do đồng phạm có tính nguy hiểm cao hơn cho xã hội nên quy định rất kỹ trong Phần chung ( Điều 20, Điều 48 khoản 1 điểm a) và trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.
Ví dụ: Điều 79 tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Điều 82 tội bạo loạn …

Từ khái niệm đồng phạm nói trên, có thể kết luận: Đồng phạm là một thể thống nhất không thể tách rời của những yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có những yếu tố quan trọng nhất như: Có từ hai người trở lên tham gia; cùng chung hành động với nhau, cùng cố ý.

–  Đồng phạm là phải có từ hai người trở lên tham gia cùng một tội phạm. Nếu thiếu yếu tố này thì không có đồng phạm, nếu chỉ có một người phạm tội thì không thể là đồng phạm.

– Những người tham gia thực hiện có cùng chung hành động với nhau thì mới là đồng phạm.

– Những người tham gia thực hiện có cùng chung hành động với nhau thì mới là đồng phạm.

Sự chung hành động (thể hiện bằng hành động hoặc không hành động) được hiểu là: Tội phạm được thực hiện do sự nỗ lực chung của một số người, hành động của mỗi người là điều kiện cần thiết cho sự hoạt động của người khác, là một khâu trong sự hoạt động chung của tất cả những người đồng phạm hay nói cách khác, là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của mỗi người đồng phạm với hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Nếu không có mối quan hệ nhân quả này, thì không có đồng phạm.

Mối quan hệ nhân quả có thể mang tính chất trực tiếp như cung cấp cho người thực hành công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm hoặc khắc phục các trở ngại trong việc thực hiện tội phạm. Hoặc có thể biểu hiện thông qua nhận thức của người thực hiện như: Xúi giục người thực hành phạm tội, giúp đỡ họ thực hiện tội phạm.

Đồng phạm phải do cùng cố ý thực hiện tội phạm do lỗi cố ý. Nếu là tội phạm do vô ý thì không thể có đồng phạm.

Sự cùng cố ý thực hiện tội phạm của những người đồng phạm thể hiện trên mặt lý trí và ý chí như sau:

–  Về lý trí: Mỗi người đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cùng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng mình.

–  Nếu chỉ biết mình có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không biết người khác có hành vi nguy hiểm cho xã hội với mình thì chưa phải là cùng cố ý và do vậy chưa phải là đồng phạm.

Ví dụ: Khi mượn xe đạp của A để đi trộm cắp, B đã nói dối là cần sử dụng vào một việc hợp pháp (như mượn xe để đi khám bệnh), A biết ý định thật của B là sẽ sử dụng xe làm phương tiện để đi trộm cắp nhưng đã vờ vô tình cho B mượn. Trong vụ này, B chỉ biết mình có hành vi trộm cắp là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không biết A cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình (hành vi giúp sức). Do vậy, B và A không đồng phạm với nhau.

Mặt khác mỗi người đồng phạm còn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện.

– Về ý chí: Những người đồng phạm cùng mong muốn hậu quả xảy ra hoặc có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
Động cơ và mục đích của những người đồng phạm có thể được thống nhất trong tất cả những người đồng phạm, nhưng có thể là khác nhau trong mỗi người bọn họ.
Ví dụ: Trong một vụ đồng phạm trộm cắp tài sản, có người phạm tội do vụ lợi cá nhân, có người giúp đỡ thực hiện tội phạm do tình bạn bè, …

Đối với những tội phạm mà động cơ và mục đích nêu trong điều luật là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm thì chỉ những người phạm tội có động cơ và mục đích giống nhau thì mới có thể là đồng phạm của nhau.

Ví dụ: A có âm mưu phá hoại đê điều để mùa màng sản xuất, do đó đã xúi giục B một người chỉ vì muốn vụ lợi lén lút xẻ một rãnh để tháo nước riêng vào ruộng của mình. Gặp ngày nước lũ lên mạnh, đoạn đê bị xẻ rãnh, vỡ gây ngập lụt. Như vậy A có mục đích chống chính quyền hoặc làm suy yếu chính quyền, phạm tội phá hoại cơ sở vật chất – Kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chu nghĩa Việt Nam, tuy nhiên B chỉ vì vụ lợi không cùng ý chí với A nên bị coi là phạm tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, vì thế A và B không phải là đồng phạm.
Khoản 2 của Điều luật chỉ rõ các loại đồng phạm gồm có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Sự giúp sức này, căn cứ vào vai trò và mức độ tham gia, tính chất của sự hoạt động của những người đồng phạm.

– Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy.

+ Người chủ mưu được hiểu là người chủ động về mặt tinh thần gây ra tội phạm, khêu gợi những âm mưu, phương hướng hoạt động chủ yếu, kích động, thúc đẩy người đồng phạm thực hiện tội phạm. Người chủ mưu có thể trực tiếp đứng ra cầm đầu, điều khiển hoạt động của tổ chức nhưng cũng có khi tham gia phạm tội theo kiểu ném đá giấu tay.

+ Người cầm đầu là người đứng ra thành lập tổ chức, khởi thảo hoặc vạch ra chính cương, điều lệ hoặc các âm mưu, phương hướng cho tổ chức phát triển và hoạt động hoặc là các kế hoạch để thực hiện tội phạm. Người cầm đầu phân công, giao trách nhiệm cho đồng bọn và đôn đốc điều khiển mọi hoạt động của tổ chức.

+ Người chỉ huy là người phân công, giao trách nhiệm cho những người đồng phạm, điều khiển mọi người đồng phạm và nắm được hoạt động của từng người đồng phạm.

Người tổ chức có thể trực tiếp tham gia hoặc không tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội cụ thể nhưng họ biết mọi hoạt động phạm tội của những người đồng phạm khác và làm cho hoạt động đó có tính tổ chức.

Người có tổ chức không phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm không nằm trong kế hoạch của cả tổ chức do từng người đồng phạm “vượt quá” gây nên mà người tổ chức không lãnh đạo, chỉ huy thực hiện.

–  Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm, thể hiện qua việc tự mình bắt tay vào việc thực hiện tội phạm.

Ví dụ: A đã bịt miệng nạn nhân rồi thực hiện hành vi giao cấu.

Người thực hành có thể là người không tự mình thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm như không tự mình thực hiện hành vi tước đoạt sinh mạng người khác như: Đâm, chém, bắn … hoặc không tự mình thực hiện hành vi huỷ hoại tài sản của người khác như đốt cháy, đập, phá … họ chỉ có hành động cố ý tác động đến người khác để người này thực hiện hành vi mô tả trong cấu thành tội phạm như bản thân những người bị tác động mà đã thực hiện hành vi đó lại không chịu trách nhiệm hình sự (chưa đạt độ tuổi luật định hoặc mắc bệnh tâm thần …).

Ví dụ: A xúi C là em bé 12 tuổi đốt nhà hàng xóm. Trong trường hợp này A là người thực hành.
Người thực hành là những người giữ vai trò quan trọng trong vụ án. Nhưng cũng có nhiều trường hợp người thực hành không phải người đóng vai trò chính trong vụ đồng phạm. Tuy vậy, về mặt pháp lý, hành vi của người thực hành được coi là có vị trí trung tâm vì nhiều vấn đề định tội và lượng hình được giải quyết căn cứ vào hành vi đó.

–  Người xúi giục: Là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Đặc điểm của người xúi giục là tác động đến tư tưởng và ý chí của người khác, khiến người này phạm tội. Người xúi giục có thể là người đã nghĩ ra việc phạm tội và đã thúc đẩy cho tội phạm đó được thực hiện thông qua người khác. Do vậy, có thể gọi người xúi giục là “tác giả tinh thần” của tội phạm. Nhưng người xúi giục cũng có thể chỉ tác động thúc đẩy người khác thực hiện ý định phạm tội đã có. Người xúi giục có thể cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm nhưng cũng có thể không.

Hành vi xúi giục phải trực tiếp, nghĩa là kẻ xúi giục phải nhằm vào một hoặc một số người nhất định. Việc hô hào không hướng tới một số người xác định không phải là hành vi xúi giục.

Hành vi xúi giục phải cụ thể, nghĩa là phải nhằm xảy ra việc thực hiện một tội phạm nhất định. Ví dụ: A xúi giục B giết người. Về mặt chủ quan, người xúi giục hoạt động một cách cố ý, biết rõ mình trực tiếp thúc đẩy người thực hành hay những người đồng phạm khác thực hiện một tội phạm nào đó.

–  Người giúp sức là người tạo ra những điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm, hứa hẹn trước sẽ che giấu người phạm tội và các tang vật chứng hoặc hứa sẽ tiêu thụ các tài sản do phạm tội mà có.

Hành vi của người giúp sức thường được thực hiện trước khi người thực hành bắt tay vào hành động nhưng có khi được thực hiện ngay lúc thực hiện tội phạm. Người giúp sức thường được thực hiện trước khi người thực hành bắt tay vào hành động nhưng có khi được thực hiện ngay lúc thực hiện tội phạm. Người giúp sức khác người xúi giục ở chỗ hành vi giúp sức không có tính quyết định trong việc kích động người khác phạm tội. Họ chỉ giúp người khác vốn đã có ý định phạm tội có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện tội phạm hoặc yên tâm hơn khi thực hiện tội phạm.

Khoản 3 của Điều luật quy định trường hợp phạm tội có tổ chức. Đây là hình thức đồng phạm vừa có sự kết cấu chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, vừa có sự phân hoá vai trò, phân công nhiệm vụ tương đối rõ rệt, cụ thể và do vậy tính chất, mức độ nguy hiểm của dạng đồng phạm này là cao hơn dạng đồng phạm không có tổ chức. Với tính chất như vậy, đồng phạm có tổ chức thường có những đặc điểm sau:

– Mỗi người đồng phạm đều phục tùng tổ chức, thực hiện kế hoạch chung và chịu sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu, chỉ huy, đều coi và sử dụng tổ chức phạm tội như một công cụ sức mạnh trong hoạt động phạm tội của mình.

– Trong đồng phạm, thì việc phạm tội bao giờ cũng có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về mọi mặt cho việc thực hiện cũng như việc che giấu tội phạm,với phương pháp, thủ đoạn thường tinh vi, xảo quyệt …

Phạm tội  có tổ chức thường có nhiều khả năng cho phép phạm tội liên tục, nhiều lần, gây ra những hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội. Phạm tội có tổ chức được coi là tình tiết tăng nặng được quy định ở Điều 48 BLHS và cũng được coi là tình tiết chuyển khung tăng nặng của nhiều tội phạm, cụ thể như ở tội giết người (Điều 93), tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112), …

Tư vấn về đồng phạm của Văn phòng Luật sư APEC Việt Nam

Địa chỉ: 76, Nguyễn Phong Sắc, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại 04 66 705 333; Hotline  091 345 1699
Email: vpls.apecvietnam@gmail.com; wed: luatsutrankhacthanh.com

CHIA SẺ