Những điều cần biết về luật đầu tư ra nước ngoài

0
5002

Hiện nay, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà các doanh nghiệp trong nước cũng mở rộng đầu tư ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ các vấn đề về luật đầu tư ra nước ngoài như điều kiện đầu tư, lĩnh vực đầu tư hay hồ sơ đăng ký hay thủ tục xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài ra sao.
1. Các đối tượng được đầu tư ra nước ngoài
Theo luật đầu tư ra nước ngoài, các đối tượng được đầu tư dự án ra nước ngoài gồm:
– Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước chưa đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
– Doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội chưa đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp.
– Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
– Cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao và các cơ sở dịch vụ khác có hoạt động đầu tư sinh lợi.
– Hộ kinh doanh, cá nhân Việt Nam.
2. Điều kiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài
1. Để được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhà đầu tư phải đáp ứng những điều kiện sau của luật đầu tư ra nước ngoài:
a) Có dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
b) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam.
c) Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đối với các trường hợp sử dụng vốn nhà nước để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
d) Được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Việc đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư gián tiếp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
3. Lĩnh vực nào được luật đầu tư ra nước ngoài khuyến khích, cấm đầu tư
1. Lĩnh vực được khuyến khích đầu tư
Nhà nước khuyến khích các tổ chức kinh tế tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài những lĩnh vực xuất khẩu nhiều lao động, các ngành nghề truyền thống của Việt Nam, mở rộng thị trường khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tại nước đầu tư; tăng khả năng xuất khẩu, thu ngoại tệ.
2. Lĩnh vực cấm đầu tư
Nhà nước không cấp phép đầu tư ra nước ngoài với những dự án gây phương hại đến bí mật, an ninh quốc gia, quốc phòng, lịch sử, văn hoá, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
4. Hồ sơ xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài gồm những gì?
Luật đầu tư ra nước ngoài quy định hồ sơ dự án đầu tư cụ thể đối với dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và dự án trên 15 tỷ đồng Việt Nam.
Hồ sơ dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam:
– Văn bản đăng ký dự án đầu tư.
– Bản sao có công chứng một trong các giấy tờ: Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy phép đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu.
– Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với đối tác về việc góp vốn hoặc mua cổ phần hoặc hợp tác đầu tư đối với dự án đầu tư có đối tác khác cùng tham gia đầu tư.
– Văn bản đồng ý của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng cổ đông về việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Hồ sơ dự án có quy mô vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng Việt Nam:
– Văn bản đề nghị thẩm tra dự án đầu tư.
– Bản sao có công chứng một trong các giấy tờ: Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy phép đầu tư; Giấy chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu.
– Văn bản giải trình về dự án đầu tư gồm: Mục tiêu đầu tư; địa điểm đầu tư; quy mô vốn đầu tư; nguồn vốn đầu tư; việc sử dụng lao động Việt Nam (nếu có); việc sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam (nếu có); tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
– Hợp đồng hoặc bản thỏa thuận với đối tác về việc góp vốn hoặc mua cổ phần hoặc cùng hợp tác đầu tư đối với trường hợp có đối tác khác cùng tham gia đầu tư.
– Văn bản đồng ý của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng cổ đông về việc đầu tư ra nước ngoài.
5. Thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài

  1. Các bước thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài gồm:

– Doanh nghiệp lập hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài.
– Nộp hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ.
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm tra và quyết định việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

  1. Thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư

Dự án có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam:
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đề nghị nhà đầu tư giải trình về nội dung cần phải được làm rõ (nếu có).
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời sao gửi các Bộ, ngành và địa phương liên quan.
– Trường hợp hồ sơ dự án đầu tư không được chấp thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.
Dự án có vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng Việt Nam:
– Đối với các dự án đầu tư phải được sự chấp thuận đầu tư của Thủ tướng:
Trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng ý kiến thẩm định bằng văn bản kèm theo hồ sơ dự án đầu tư và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan để Thủ tướng xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
– Đối với các dự án đầu tư không quy định phải được sự chấp thuận đầu tư của Thủ tướng: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

CHIA SẺ