Tư vấn về đại diện trong tố tụng dân sự

0
2636

Câu 1: Chế độ đại diện theo ủy quyền có thể áp dụng được trong tất cả các vụ án dân sự không?
Trả lời:
Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về người đại diện như sau:
1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền.
2. Người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
3. Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.
Như vậy, không phải tất cả các vụ án dân sự có thể áp dụng chế độ đại diện theo ủy quyền.
Câu 2: Con trai tôi mắc bệnh tâm thần, nay tôi muốn thay mặt con trai làm đơn khởi kiện và tham gia tố tụng tại tòa để giúp con dâu được tự do, có cơ hội đi lấy chồng khác. Như vậy trong trường hợp này tôi có thể làm người đại diện tham gia tố tụng cho con trai được không?
Trả lời:
Theo điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự, đối với các vụ án ly hôn không áp dụng chế độ người đại diện. Nghĩa là đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng mà đích thân người vợ hoặc người chồng phải đứng đơn khởi kiện và tham gia tố tụng tại tòa chứ không thể nhờ ai thay mặt mình được.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 4 Điều 58 và khoản 1 Điều 62 Bộ luật Dân sự 2005: Chỉ có một người có quyền giám hộ cho người vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự, đó là vợ hoặc chồng của họ; còn bố, mẹ, con của họ không có quyền làm người giám hộ, người đại diện cho họ. Do đó, bố, mẹ không có quyền đại diện cho người vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự khởi kiện xin ly hôn.
Câu 3: Những trường hợp nào không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự?
Trả lời:
Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định các trường hợp sau không được làm người đại diện:
1. Những người cũng là đương sự trong cùng một vụ án với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện.
2. Những người đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án.
3. Cán bộ, công chức trong các ngành Toà án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.